
Tính từ năm 1975 đến nay, bơi lội TPHCM trải qua 5 thế hệ. Người hâm mộ thường nhắc tới thế hệ thứ 2 với cái tên đi vào lịch sử bơi lội Việt Nam, nữ hoàng bơi bướm Nguyễn Kiều Oanh, bởi đó là lứa VĐV bơi đầu tiên do ngành TDTT TPHCM đào tạo bài bản theo hướng tổ chức huấn luyện 4 tuyến từ năng khiếu ban đầu đến dự tuyển, cũng là lứa mở ra trang sử vàng cho bơi lội TPHCM. Nhưng chúng tôi chọn thế hệ thứ 4 để viết lại hồ sơ lần này bởi chính sự “lột xác” của thế hệ này mở ra triển vọng phát triển mới của làng bơi TPHCM.
Thế hệ thứ 4 của bơi lội TPHCM được tính từ năm 2000 đến 2007. Trong giai đoạn này còn sót lại một số “kình ngư” của thế hệ trước vẫn miệt mài theo đuổi đường đua xanh, tiêu biểu như Nguyễn Ngọc Sơn (tay bơi nổi trội nhất trong gia đình có 4 VĐV bơi gồm Nguyễn Linh Thảo, Nguyễn Thảo Ngọc, Nguyễn Sơn Tùng và Sơn). Bên cạnh đó, đã “ghi danh” những cái tên khác là Võ Trần Trường An, Võ Thị Thanh Vy, Nguyễn Quang Huy, Ân Đỗ Hạnh…
Đây cũng là thế hệ làm rõ nét nhất ưu thế “âm thịnh” xuyên suốt bao năm qua của bơi lội TP, với hai gương mặt xuất sắc là Võ Trần Trường An, Võ Thị Thanh Vy. Nhìn lại bảng thống kê về “Sự phát triển kỷ lục bơi VN - hồ 50m” sẽ thấy ở đường đua “danh giá” 100m tự do, tính từ năm 1973 đến 2010, Võ Trần Trường An là “kình ngư” có nhiều lần phá KLQG nhất, với 4 lần trong 5 năm (1995 - 1999) trong lúc các đàn chị Nguyễn Đắc Quỳnh Anh, Nguyễn Kiều Oanh chỉ được một lần. Đáng chú ý, giai đoạn 1995 - 2010 toàn là nữ VĐV TP chiếm ngôi vô địch cự ly này, gồm 10 lần, trong đó có 8 lần thuộc về thế hệ thứ 4. Tương tự, ở 200m tự do, Võ Thị Thanh Vy 5 lần phá KLQG trong 10 năm (2000 - 2010), còn Trường An là người phá nhiều KLQG thứ nhì, với 3 lần. Thanh Vy còn làm nên chiến tích là phá nhiều KQLG nhất ở 400m tự do (5 lần) trong 8 năm, từ 1999 - 2006, và 4 lần liên tục ở 800m tự do từ 2000 - 2003. Thế mạnh vượt trội của nữ VĐV TPHCM ở nội dung bơi tự do, từ cự ly ngắn đến đường dài, còn được thế hệ thứ tư ghi dấu ấn với 7 lần phá KLQG 4x100m tự do trong tổng số 11 lần TP giữ kỷ lục cự ly tiếp sức này suốt 13 năm (từ 1992 - 1993).

Kình ngư Nguyễn Kiều Oanh (bìa trái) của thế hệ 2 đang tiếp tục ươm mầm cho các thế hệ sau của TPHCM.
Trong hàng loạt thành tích nổi bật của nữ VĐV TP thời kỳ này phải kể đến hiện tượng Võ Thị Thanh Vy (sinh 15-3-1986). Thanh Vy là kình ngư đầu tiên và duy nhất, tính đến nay đã giải tỏa được cơn khát huy chương SEA Games cho bơi lội TPHCM khi đoạt HCĐ 400m hỗn hợp ở SEA Games 2003. Thanh Vy cùng với Quang Huy là 2 VĐV đầu tiên đoạt huy chương châu Á, tại giải trẻ châu Á 2005, trong đó Vy “giàu” thành tích hơn Huy với 1 HCB, 2 HCĐ (Huy có 1 HCB). Thanh Vy còn liên tục đoạt huy chương giải vô địch các nhóm tuổi Đông Nam Á từ năm 1999 đến 2006.
Trong 10 năm “tham chiến” ở giải VĐQG bơi hồ 50m, từ năm 2000 - 2009, Thanh Vy đoạt 65 HCV, 6 HCB, 2 HCĐ và có 23 lượt phá KLQG trong lúc “tượng đài” Nguyễn Kiều Oanh thi đấu các kỳ VĐQG 1982 - 1995 đoạt 41 HCV.
Nguyễn Quang Huy (sinh năm 1987) cùng lứa năng khiếu ban đầu với Thanh Vy do CLB Kỳ Đồng (quận 3) phát hiện và cùng “thọ giáo” HLV Võ Thị Mỹ Trang. Tuy thời gian cống hiến cho bơi lội không lâu như Vy, nhưng Quang Huy luôn là tay bơi chính của đội hình nam TP góp phần vào ngôi vị nhất toàn đoàn 2000 - 2007. Huy từng phá KLQG các cự ly 400m tự do (năm 2006), 800m tự do (năm 2002, 2004), 200m hỗn hợp (2003 - 2004), 400m hỗn hợp (2003 - 2005) và là VĐV duy nhất của quốc gia đoạt tối đa bộ huy chương (bơi vượt sông và bơi trong hồ 50m, 25m) ở Đại hội TDTT toàn quốc 2006
Nguyễn Ngọc Sơn có 12 năm liên tục thuộc đội hình chính thức của TPHCM ở các giải VĐQG 1996 - 2007, cũng là một trong vài tay bơi TP tham dự liên tiếp 3 kỳ SEA Games 2001 - 2005. Khi giã từ đường bơi cuối năm 2007, Ngọc Sơn có 40 HCV, 33 HCB, 4 HCĐ cấp quốc gia.
Ngoài ra còn nhiều cái tên làm nên bề dày của thế hệ thứ tư như Nguyễn Thị Phương Trang, Nguyễn Thành Nam (chuyên sâu bơi ếch), Nguyễn Hoàng Vũ Linh, Nguyễn Nhất Tú (chuyên sâu bơi ngửa)…
TRANG ANH