1. Một án phạt vô tiền khoáng hậu vừa được LĐBĐ Việt Nam (VFF) đưa ra: Cấm thi đấu vĩnh viễn 9 cầu thủ của CLB Ninh Bình đã tổ chức bán độ trong các trận đấu tại AFC Cup 2014. Lần đầu tiên, có một lệnh cấm vĩnh viễn cho rất nhiều cầu thủ mà VFF tỏ ra không hề do dự, cho dù sự kiện này có thể sẽ là một vết nhơ của bóng đá Việt Nam trên giới truyền thông quốc tế.
Tuy nhiên, án phạt này không khiến ai bất ngờ bởi VFF đã tuyên bố, bất kỳ hình thức tiêu cực nào liên quan đến chuyện dàn xếp tỷ số cũng sẽ bị treo giò vĩnh viễn, hình phạt tốn đa của các quy định kỷ luật. Trước khi ra án phạt này, tòa án cũng đã tuyên án với những cầu thủ trên. Như vậy, VFF đã có đủ bằng chứng để thực thi phán quyết của mình.
Cũng có không ít tranh luận về việc với án phạt này, các cầu thủ sẽ không còn cơ hội phục thiện để quay lại bóng đá như các trường hợp khác tại vụ án tiêu cực SEA Games 2005. Tuy nhiên, trên thực tế đã có không ít các cầu thủ bị kỷ luật, treo giò vì liên quan đến tiêu cực vẫn có những dấu hiệu “ngựa quen đường cũ” khi trở lại thi đấu, dù chưa đủ chứng cớ để kết luận họ phạm tội.

Một quyết định nghiêm khắc của VFF: 9 cầu thủ của đội Ninh Bình bị cấm vĩnh viễn các hoạt động bóng đá. Ảnh: TUẤN AN
2. Nhìn ở góc độ chống tiêu cực, án phạt của VFF là cần thiết. Tiêu cực đã trở thành một căn bệnh ung thư “giết” dần mòn niềm tin bóng đá của người hâm mộ và có dấu hiệu “lờn thuốc”. Ngay sau vụ án tiêu cực tại Ninh Bình vừa bị phanh phui thì chỉ vài tháng sau, đến lượt một nhóm cầu thủ của Đồng Nai cũng bị cơ quan công an phát hiện phạm tội theo hình thức tương tự. Tại sao bài học nhãn tiền từ vụ bán độ động trời ở SEA Games 23 luôn được báo chí nêu ra rả với những bài viết về số phận, hoàn cảnh cầu thủ bán độ rồi đến những giọt nước mắt của người thân họ, nhưng bóng đá Việt Nam vẫn phải chứng kiến hàng loạt cầu thủ tiếp tục tra tay vào còng Rồi ngay khi đội tuyển Việt Nam thua Malaysia ở trận bán kết lượt về, ngay trong đầu người hâm mộ, điều đầu tiên nghĩ đến cũng là “bán độ”. Nó cho thấy, dù đã có những tín hiệu lạc quan thông qua sự thành công của U.19 hay chính đội tuyển quốc gia, nhưng “bóng ma” tiêu cực vẫn còn đó chỉ vì thái độ phòng, chống của bóng đá Việt Nam vẫn còn chưa đủ mạnh tay.
Năm 1994, Chính phủ Malaysia đã thẳng tay kỷ luật 84 cầu thủ tham gia vào các đường dây mua bán độ ở các giải trong nước, dù thời điểm ấy đội tuyển Malaysia rất cần cầu thủ để chuẩn bị cho SEA Games 1995 tại Chiang Mai (Thái Lan). 84 cầu thủ vi phạm bị đưa vào các trại tập trung ở các tỉnh vùng xa, bị cấm thi đấu vĩnh viễn, sau khi rời khỏi trại tập trung, họ không được quyền mua nhà, mua xe. Nhờ sự mạnh tay cách đây 10 năm mà bóng đá Malaysia sau đó đã phát triển bền vững, hùng mạnh bậc nhất khu vực Đông Nam Á. Không ai dám chắc là bóng đá Malaysia hiện nay không có bán độ nhưng rõ ràng, với cách giải quyết mạnh mẽ và toàn diện của mình, bóng đá nước này đã hồi sinh rõ rệt trong giai đoạn vừa qua.
Dùng thuốc không đúng liều, người bệnh sẽ bị lờn thuốc, khó chữa hơn. Chống tiêu cực trong bóng đá cũng vậy, không có những biện pháp đủ sức răn đe thì khó ngăn chặn cầu thủ bán độ.
YẾN PHƯƠNG