Giải vô địch quốc gia (V-League) mới chỉ trải qua 5 vòng đấu nhưng đến nay, ngoại trừ vòng 4 không có chuyện gì, các vòng còn lại đều có ít nhất 2 trận gặp vấn đề về trọng tài. Từ đầu giải đến nay, đã có 2 đội bóng bị phạt, 2 trọng tài bị treo còi, 1 trợ lý trọng tài bị cấm làm nhiệm vụ đến hết lượt đi. Một con số quá cao nếu chúng ta biết rằng, do số lượng đội năm nay ít nên số trận đấu cũng giảm 1-2 trận mỗi vòng.
Tuy nhiên, điều gây bức xúc cho dư luận đó là các sai sót của trọng tài lại tập trung chủ yếu vào những người đã từng bị kỷ luật hoặc bị dư luận phản ứng nhiều ở những mùa giải trước. Ví dụ như trọng tài Nguyễn Văn Kiên, 3 mùa bóng trước đều có vấn đề nhưng mùa này mới được phân công thổi 3 trận thì 2 trận đều bị phản ứng. Trọng tài Ngô Quốc Hưng liên tục mắc lỗi nhận định nhưng vẫn được phân công và lại mắc lỗi nhận định. Trọng tài Hoàng Anh Tuấn mùa trước gây sóng gió tại Đà Nẵng vì lỗi bắt phạt đền thì mùa này cũng dính lỗi tương tự trong trận SLNA - XM.XT.SG…
Việc tái phạm liên tục của các trọng tài bắt buộc phải đặt câu hỏi: Phải chăng chất lượng trọng tài Việt Nam đang quá kém? Điều này càng được củng cố khi đầu năm nay, không trọng tài nào của Việt Nam vượt qua kỳ sát hạch của FIFA.
Đành rằng trọng tài luôn cần được thay thế bởi quy định giới hạn tuổi cầm còi của FIFA. Tuy nhiên, không thể vì vậy mà cứ đưa những trọng tài chưa đủ năng lực thổi những trận quan trọng. Theo thống kê, trong 5 vòng đấu của V-League vừa qua, những trọng tài giỏi của Việt Nam thường được phân công thổi các trận kém quan trọng, nhường các trận quyết liệt cho các trọng tài thuộc thế hệ kế tiếp. Thực tế sân cỏ chứng minh, trình độ của các trọng tài thay thế này chưa đủ để làm yên tâm các CLB. Cũng cần phải nói ngay rằng, một trọng tài trẻ chưa chắc đã yếu hoặc thiếu kinh nghiệm và ngược lại. Cũng không hề có chuyện một trọng tài được phân công thổi nhiều sẽ ngày một giỏi hơn. Nghề trọng tài rất đặc biệt mà những tố chất cá nhân như trình độ văn hóa, sự trải nghiệm cuộc sống, vị trí trong xã hội đóng vai trò quan trọng đến năng lực điều hành trận đấu. Với cách phân công theo kiểu sai đâu sửa đó như hiện nay không hẳn đã đem đến điều tốt cho đội ngũ trọng tài Việt Nam.
Trọng tài Việt Nam không kém, điều này đã được chứng minh, nhưng họ cũng cần được đào tạo bài bản, đúng đắn mới giỏi được. Nhiều chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến chất lượng trọng tài Việt Nam ngày càng kém là do nội bộ của ban trọng tài “bằng mặt mà không bằng lòng”, chia phe phái và phân công theo cảm tính chứ không đặt lợi ích chung lên hàng đầu. Đã vậy, những sai sót của trọng tài lại được bao che, đùn đẩy trách nhiệm cho các CLB, khiến dư luận có cái nhìn thiếu thiện cảm về các vua sân cỏ.
Đành rằng bóng đá thế nào thì trọng tài thế ấy nhưng xét trên thực tế, để nâng chất một nền bóng đá bao giờ cũng khó hơn cải thiện chất lượng trọng tài. Đằng này, bóng đá Việt Nam đang sa sút mà những người cầm cân nẩy mực trên sân cỏ cũng yếu đều theo vì những tranh cãi quyền lợi nội bộ thì làm sao bóng đá Việt Nam khá được!
Đăng Linh