Đến thời điểm này, sân Binan (thuộc thành phố Binan của tỉnh Laguna, cách Manila 40 kilomet) chắc chắn là địa điểm được bảo vệ nghiêm ngặt nhất ở SEA Games 30. Để vào được sân đấu này, các phóng viên Việt Nam phải đi qua 4 chốt an ninh và một điểm kiểm tra túi xách, va ly. Ở chốt an ninh đầu tiên, thậm chí chiếc Grab-bike chở các phóng viên Việt Nam còn bị… rà mìn và hạch hỏi rất kỹ lưỡng!
Đây là biện pháp an ninh nghiêm trọng nhất ở SEA Games 2019, có lẽ là bởi vì môn bóng đá đã chính thức được tổ chức thi đấu. Có thể đếm được, ngoài nhân viên an ninh của Ban tổ chức và các lực lượng hỗ trợ dân sự, ở Binan còn có sự xuất hiện của Cảnh sát quốc gia - Cảnh sát tỉnh Laguna, Cảnh sát tư pháp của thành phố Binan, Lực lượng phản ứng với thảm họa quốc gia (NDRP) và cả Quân đội, với súng tiểu liên hườm sẵn trên tay, những chú chó nghiệp vụ tinh ranh cũng xuất hiện.
Khi mà trong suy nghĩ của chúng tôi, là đã đi suốt một chuyến hành trình dài như thế, trải qua sự kiểm tra an ninh nghiêm ngặt như vậy, thì điểm đến phải là một sân đấu hoành tráng và hiện đại. Nhưng trái lại, đó là một sân đấu tuy cũng mới, nhưng nằm giữa một khu vực quá rộng lớn, mạng lại chút cảm giác hoang vu.
Khi hình ảnh của sân đấu được đăng trên Facebook, rồi khi trận đấu giữa U22 Việt Nam và Brunei trên sân đấu này được truyền trực tiếp về Việt Nam, cả một làn sóng chê bai sân đấu xuất hiện. Fan Page Ký ức bóng đá, của một BLV có tiếng thuộc Kênh truyền hình SCTV, đã viết một status rất “thấm”: “Thật sự nhìn vào cái sân cấp làng xã này, Ad khó tin đây là nơi diễn ra một trận bóng đá đẳng cấp khu vực”.
“Nói thì buồn chứ, so với mấy cái sân đá phủi gần nhà mình còn không bằng. Nên nhớ, muốn nâng tầm bóng đá, thì cơ sở vật chất là điều kiện hàng đầu. Nhìn vào điều này, sau hàng chục năm tổ chức SEA Games, hay AFF Cup, rõ ràng mục tiêu phát triển bóng đá nói riêng và thể thao nói chung của Đông Nam Á là thất bại hoàn toàn. Ad nhớ năm 98 thì phải, Singapore cũng từng tham vọng dùng tiền và đầu óc để đặt ra mục tiêu GOAL nhằm góp mặt ở World Cup 2010, nhưng đã vứt đi hoàn toàn chỉ sau đó vài năm. Người Sing còn vậy, nói chi mấy anh Phi”.
Dòng trạng thái này, đã nhận được những chia sẻ thuận chiều. CĐV Dangg An viết: “Sân bên Trường Đại học Tôn Đức Thắng hơn xa sân này. Đó là chưa kể nhiều sân phủi khác ở Việt Nam cũng tốt hơn nhiều”. CĐV Anh Tuan Nguyen thì viết: “Sân cỏ nhân tạo mà cao su bung lên như thế kia là không đạt chuẩn rồi. Nền cứng, cỏ ngắn trụi dễ chấn thương lắm”. Trong Group của Hội CĐV Chelsea tại Việt Nam, khi hình ảnh sân Binan được chia sẻ, nhiều người cũng nhắn: “Sân còn thua xa cả sân huyện”, “Sân gì bèo quá vậy”, “Sân trông rất kém, buồn thiệt”.
Dù sao, đã tham gia giải đấu thì phải “chịu đèn” BTC, và mặt sân kiểu như thế này là khó khăn chung với tất cả các đội bóng tham gia, chứ không riêng gì Việt Nam, như lời tiền vệ Đỗ Hùng Dũng vừa mới chia sẻ trước buổi tập đầu tiên của U22 Việt Nam. Vậy nên, cứ thế mà tiến, khó khăn thế nào thì cố gắng vượt qua thế ấy. Tuy vậy, với cánh phóng viên, mọi chuyện lại… “mới chỉ bắt đầu”.
Trong buổi tác nghiệp tại sân Binan, cánh phóng viên Việt Nam đã… thua trắng BTC sân “đến 5 bàn không gỡ”. Đầu tiên, khi lần mò vào đến phòng báo chí, nhiều người mới nhận ra, nơi đây không có mạng wifi. Sau một lúc thắc mắc, vị quan chức phụ trách báo chí của sân đấu mới cung cấp password để truy cập vào mạng wifi tại đây. Có điều, các phóng viên không thể tìm ra mạng wifi phù hợp.
Đó mới là bàn thua đầu tiên. Bàn thua thứ hai, khi các phóng viên ảnh xin áo bib để tác nghiệp bên đường piste sân đấu, họ được thông báo là “không cần áo bib”. Nhưng khi vừa xuống sân, BTC lại yêu cầu phải mặc áo bib, nhưng mang ra không đủ số áo theo nhu cầu, có lẽ do họ không thể lường trước phóng viên Việt Nam lại nhiều đến vậy. BTC sân sau đó, đã phải đi mượn thêm một số áo bib không đồng bộ để cho các phóng viên mặc vào khi tác nghiệp, khiến hình ảnh ở bên các đường biên ngang là rất “bát nháo”.
Về phần bàn thua thứ 4, dù rằng BTC đã có “quy định” trước, khi trận đấu diễn ra, chỉ cần không… “live-stream” các tình huống thi đấu trên sân giữa cầu thủ 2 đội, thì các phóng viên vẫn có thể tác nghiệp bằng cách live-stream không khí trên khán đài, hình ảnh các CĐV ủng hộ trận đấu, nhưng thực chất, các kênh truyền hình, các trang mạng của Việt Nam đều bị ngăn cản khi quay lại hình ảnh của các CĐV quê nhà.
Và cuối cùng, bàn thua thứ 5 chính là khi vào đến phòng họp báo, các phóng viên Việt Nam mới giật mình khi chứng kiến, phòng họp này quá nhỏ và quá tồi tàn, không thể chứa hơn 50 con người. Nhìn cảnh phóng viên Việt Nam chen chúc với nhau để tác nghiệp, trong khi phóng viên ngoại quốc duy nhất đứng thẳng lưng một bên, mới thấy cái cách tổ chức SEA Games kỳ này của chủ nhà Philippines là tệ đến như thế nào.
Dù sao thì, sau tất cả những mệt mỏi, bức xúc, nhưng chào đón phóng viên Việt Nam luôn là những con người nhoẻn cười rất tươi, từ các tình nguyện viên, các nhân viên hỗ trợ, lực lượng an ninh, dù họ ăn mặc rất hầm hố và có trang thiết bị “dữ dằn”, đã mang lại cảm giác dễ chịu hơn, khi trước mắt, vẫn còn là cả một chặng đường dài đầy trúc trắc, thế nên, vẫn phải cố gắng mang đến những thông tin nóng hỏi nhất cho người hâm mộ ngóng trông ở quê nhà!