
Nếu xét đơn thuần về chuyên môn thì ông Phạm Ngọc Viễn là số 1 đối với dân trong giới bóng đá.
VFF là một tổ chức quản lý và phát triển bóng đá chứ không phải là doanh nghiệp nên nhất định, người nào làm công tác chuyên môn phải cực kỳ quan trọng. Qua các nhiệm kỳ VFF thì vị trí Phó Chủ tịch này đều do những nhà chuyên môn có đẳng cấp cao nhất đảm nhiệm.
Trước đây, thường thì chiếc ghế Trưởng ban tổ chức các giải đấu cao nhất phải do ông Phó số 1 nắm giữ. Hệ thống Tổng, Phó thư ký hay các phòng chuyên môn đều làm công tác giúp việc. Một trưởng BTC như vậy thì mới làm cho các thành viên của giải nể trọng, làm cho các hội đồng độc lập phải cẩn thận khi giám sát giải đấu. Hơn nữa, bóng đá Việt Nam đang ở giai đoạn thử nghiệm chuyên nghiệp, ông Phó số 1 càng nên làm trưởng giải V-League để sâu sát với tiến trình phát triển về chuyên môn. Trong trường hợp ông Viễn, là người xây dựng nên đề án chuyên nghiệp, càng phải thấy rõ vai trò của ông.

Dấu ấn của ông Viễn khá mờ, dù đã lên làm Phó số 1. Ảnh: N.A
Nhưng từ khi được bầu cho đến nay, vai trò của ông Viễn rất mờ nhạt, thậm chí còn kém hơn cả người tiền nhiệm Dương Vũ Lâm (vốn chỉ được bầu thay thế cho ông Lê Thế Thọ giữa nhiệm kỳ trước). Ngay cả việc định hướng, làm việc với ông Calisto về thuần túy chuyên môn, cũng chẳng có tiếng nói quyết định của ông Viễn. Quá trình điều hành, tổ chức các giải đấu, cũng chẳng có luôn.
Trong khi đó, những giải đấu tại Việt Nam vẫn tồn tại quá nhiều khiếm khuyết về chuyên môn, từ trọng tài đến chất lượng thi đấu cũng như kỷ luật sân cỏ. Ông Trưởng giải hiện tại là Dương Nghiệp Khôi mạnh về công tác tổ chức, nhưng tiếng nói chuyên môn chắc chắn không được đánh giá cao. Đấy là chưa nói, vì chất lượng của các giải kém nên trình độ của đội tuyển quốc gia cũng sa sút thấy rõ.
Công bằng mà nói, nếu những yếu tố chuyên môn ấy đều đi xuống, trách nhiệm của ông Phó số 1 là rất lớn. Khổ nỗi, không lẽ lại đem ông ra mà phê phán khi chẳng thấy ông liên quan gì đến các công việc ấy!?
Việt Long