
Đọc tiêu đề bài viết này hẳn không ít người phải đặt dấu hỏi, bởi thông thường, một khi đã được coi là VIP thì đương nhiên phải nhận được chế độ đãi ngộ hết sức ưu đãi và hấp dẫn, vậy cớ sao còn buồn?
Trong những ngày Tết Canh Dần vừa rồi, khi liên lạc với một VĐV nằm trong danh sách những gương mặt xuất sắc nhất trong năm 2009 của thể thao Việt Nam, chúng tôi thấy cô than thở rằng: “Lương của VĐV ở đội tuyển quốc gia (ĐTQG) đã chẳng được bao nhiêu, thế mà tết nào cũng phải rút tiền túi mua vé máy bay hạng VIP từ TPHCM về quê ăn tết, thật là đã nghèo còn gặp cái eo”.
Hỏi kỹ mới biết chẳng phải năm nay mới có chuyện như vậy, mà chuyện này đã diễn ra trong suốt thời gian dài. Theo yêu cầu chuyên môn, VĐV này dù quê ở một tỉnh phía Bắc nhưng vẫn phải vào TPHCM tập huấn dài hạn và giáp Tết Nguyên đán cô mới được nghỉ để trở về quê ăn tết. Mà ai cũng biết để mua được vé máy bay từ TPHCM ra các tỉnh miền Trung và miền Bắc trong khoảng thời gian trước tết là một việc vô cùng khó khăn.
Không những thế, vì yêu cầu công việc nên VĐV này chỉ được ăn tết ở nhà khoảng một tuần rồi ngay sau tết phải trở vào TPHCM tiếp tục tập luyện. Tức là hành trình của cô luôn rơi vào quãng thời gian được coi là cao điểm của ngành hàng không. Vì thế, để mua được vé máy bay hạng phổ thông là chuyện gian nan với cô, và giải pháp cuối cùng của cô luôn là mua vé hạng VIP, bởi “nếu không mua vé VIP thì tôi sẽ phải ở lại TPHCM ăn tết”. Tất nhiên, toàn bộ tiền mua vé VIP VĐV này phải trả bằng tiền túi, vì theo quy định, nếu có được chi trả tiền vé máy bay thì cô chỉ được thanh toán hạng vé phổ thông.

Trọng Hoàng (trái) và ông Calisto. Ảnh: V.S.I
Tuy nhiên, đây không phải chuyện hiếm gặp của thể thao Việt Nam, vì cách đây 2 năm, sự kiện SLNA nhất quyết không cho Trọng Hoàng và Văn Bình lên tập trung ĐTQG gây xôn xao dư luận. Khi đó, với lý do Trọng Hoàng và Văn Bình cần ở lại địa phương để tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, SLNA đã làm đơn xin miễn tập trung ĐTQG cho 2 cầu thủ này, cho dù VFF đã hứa hẹn rằng sẽ tạo điều kiện để các tuyển thủ quốc gia lấy được tấm bằng tốt nghiệp THPT.
Chỉ mới một năm trước, cũng chính VFF đã hứa xin xét đặc cách tốt nghiệp cho 3 tuyển thủ Trọng Hoàng, Đình Hiệp và Văn Bình để họ yên tâm làm nhiệm vụ ở giải U20 Đông Nam Á 2007 (giải đấu mà ĐT U20 đã đoạt chức vô địch), nhưng sau đó VFF lại quên phắt lời hứa này và để mặc CLB SLNA giải quyết hậu quả, nên SLNA kiên quyết không cho Trọng Hoàng và Văn Bình lên ĐTQG.
Xâu chuỗi những câu chuyện trên, có thể thấy trong một số bộ môn của ngành thể thao Việt Nam dường như vẫn chưa bỏ thói quen hành xử theo kiểu “sống chết mặc bay”, nên khi cần thì họ cứ lấy người để phục vụ ĐTQG, nhưng lúc không cần nữa thì họ lại để mặc “tài sản quý giá” mà chẳng cần quan tâm tới hậu quả.
HOÀI ANH