Những nhà thơ trên sân cỏ

1.
Những nhà thơ trên sân cỏ

1. Một lần nữa, trong vòng 6 năm trở lại đây Arsenal lại thất bại trong một trận chung kết. Cúp Carling là chiếc cúp kém danh giá nhất trong số 4 chiếc cúp mà Arsenal đang đeo đuổi nhưng lúc này nó trở nên cần thiết hơn bao giờ hết với thầy trò Arsene Wenger để trước mắt đánh bóng một hình ảnh, sau đó vực dậy một niềm tin.

Theo báo cáo tài chính mới nhất của đội chủ sân Emirates, họ đang lỗ 2,5 triệu bảng trong năm qua, và không nói thì ai cũng biết những mùa bóng không danh hiệu của họ khiến họ không chỉ trắng tay về thành tích và còn tay trắng về những khoản tài trợ và đầu tư. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo đó, chiếc cúp Carling vốn bị thầy trò Wenger nhìn chỉ bằng nửa con mắt nay trở thành một chiếc phao cứu sinh rất được chờ đợi, thế mà rốt cuộc họ lại để phao tuột khỏi tay một cách cay đắng.

Trong 10 năm qua, Arsenal từng thất bại trước Liverpool, Chelsea, Galatasaray và Barcelona ở các trận chung kết khác nhau nhưng lần này họ gục ngã trên sân Wembley trước một đối thủ kém tên tuổi hơn nhiều: Birmingham. Thất bại này càng khó tin khi trong 8 trận trước đó, Birmingham chưa từng thắng Arsenal một trận nào. Thật không có gì dễ chịu cho thầy trò Wenger hơn khi đối đầu với “con cừu ngoan ngoãn” Birmingham, thế mà cuối cùng họ lại thua trận một cách kỳ lạ.

HLV Arsene Wenger. Ảnh: T.L.

HLV Arsene Wenger. Ảnh: T.L.

2. Arsenal luôn là đội bóng làm ra những điều kỳ lạ. Nếu việc họ thắng đội bóng mạnh nhất hành tinh Barcelona cách đây không lâu là một phép lạ theo hướng tích cực thì trận thua muối mặt trước Birmingham là một phép lạ khác theo chiều ngược lại. Và đó mới là Arsenal!

Theo người viết bài này, Arsenal cùng với Ajax Amsterdam và Barcelona là 3 đội chơi bóng đẹp mắt nhất châu Âu. Thứ bóng đá đan lát, thêu hoa dệt gấm đó luôn làm say đắm lòng người. Real Madrid cũng tôn thờ thứ bóng đá đẹp, nhưng do thay đổi huấn luyện viên xoành xoạch và tùy theo cá tính, quan điểm của từng huấn luyện viên lẫn yêu cầu (phải vượt qua Barcelona bằng mọi giá) của ban lãnh đạo câu lạc bộ mà trong từng mùa giải cụ thể, đội bóng hoàng gia này vẫn có thể chấp nhận một lối chơi thực dụng để ưu tiên cho kết quả cuối cùng.

Manchester United cũng vậy: có những mùa đội bóng của ngài Ferguson xứng đáng là đội bóng chơi đẹp mắt nhất châu Âu, nhưng Ferguson không đủ mơ mộng như Wenger để coi trọng lối chơi hơn kết quả mà lối chơi đó đem lại. Đối đầu với Barcelona, Ferguson đã từng biến mình thành một Mourinho và các học trò của ông chơi bóng như thể họ là những cầu thủ Chelsea khoác áo đỏ.

3. Arsenal không vậy. Và chưa bao giờ như vậy. Đụng độ với đội quân hùng mạnh Barcelona trong thời điểm hiện nay, có lẽ không đội bóng nào dám chọn chiến thuật đôi công. Một đứa trẻ cũng biết: Tấn công Barcelona 2011 đồng nghĩa với tự sát. Arsenal là đội bóng duy nhất trên thế giới phớt lờ lời cảnh báo đó. Họ đã tấn công thầy trò Guardiola trong cái đêm lịch sử trên sân Emirates cách đây gần 3 tuần và họ đã thắng. Tất nhiên, không phải lúc nào Arsenal cũng tấn công và chiến thắng. Thậm chí họ thất bại nhiều hơn khi thực thi cái ý tưởng lãng mạn đó.

Nhưng Wenger dù rất khát khao danh hiệu nhưng có vẻ như ngài giáo sư nho nhã này không xem thành tích là mục đích hàng đầu trên con đường hành nghề huấn luyện viên bóng đá. Bóng đá, với Wenger, trước hết là phục vụ người xem. Ông cũng quan tâm đến hiệu quả, nhưng đó là hiệu quả thẩm mỹ của một trận bóng, của một lối chơi chứ không đơn giản chỉ là tỷ số. Rất gần với thứ bóng đá nguyên thủy tinh khiết và trong trẻo khi môn chơi này ra đời, lối chơi của Arsenal dưới triều đại Wenger là thứ bóng đá hồn nhiên như cây cỏ, lãng mạn như thơ ca.

4. Khổ nỗi, hồn nhiên là một phẩm chất làm đẹp cho đời, nhưng chưa chắc đã làm đẹp cho các bảng thành tích bóng đá. Ajax Amsterdam cũng chơi đẹp, Barcelona cũng chơi đẹp nhưng dưới bàn tay lèo lái của Van Gaal trước đây và Guardiola hiện nay, Ajax và Barcelona đã lên tới đỉnh cao châu Âu. Arsenal của Wenger chưa bao giờ nếm được mùi vị của vinh quang tột bậc đó, trước hết có lẽ Arsenal không có được lò đào tạo hiệu quả như Ajax và Barcelona.'

“Những đứa trẻ” của Wenger được đem về từ tứ xứ, ông giúp họ tỏa sáng rực rỡ nhưng sự vận hành của họ không thể đạt tới độ kết dính như một cơ thể thống nhất - điều mà Ajax của Van Gaal và Barcelona của Guardiola làm được. Điều quan trọng nữa, Van Gaal và Guardiola là những tín đồ của bóng đá đẹp, nhưng họ làm bóng đá như làm khoa học, trong khi Wenger làm bóng đá như... làm thơ. Khi bị buộc phải phòng thủ, các hậu vệ của Ajax và Barcelona tỏ ra là những chuyên gia cự phách. Ngược lại các hậu vệ Arsenal thường tỏ ra lúng túng khi bị dồn ép và hệ quả là họ thường để thua những trận không ai ngờ tới.

Mùa này, có vẻ như Arsenal đang tìm lại được sức mạnh. Sau thất bại bất ngờ trước Birmingham ở cúp Carling, họ còn 3 mục tiêu nữa để đeo đuổi. Nhưng tôi không tin thầy trò Wenger sẽ đoạt được “cú ăn ba”. “Cú đúp” cũng là điều không tưởng. Giỏi lắm, họ chỉ đoạt được một chiếc cúp. Nhưng khả năng lớn nhất là họ không đạt được danh hiệu nào - như trước đây. À, có thể họ sẽ đạt được danh hiệu “Những nhà thơ trên sân cỏ”.

Danh hiệu đó, không phải đội bóng nào cũng có được. Đó là lý do tại sao nhiều tín đồ túc cầu trên thế giới luôn dành cho Arsenal một vị trí trang trọng trong trái tim mình dù thầy trò Wenger là những “chuyên gia” gục ngã trước cửa thiên đường!

Chu Đình Ngạn

Tin cùng chuyên mục