Nhìn từ Đồng Nai...

Bóng đá Việt Nam 2015

Theo thói quen, người ta thường nhìn từ mảng tích cực rồi mới đến tiêu cực. Bóng đá Việt Nam trong năm 2015 thực sự có nhiều điểm sáng mà 3 bản hợp đồng “xuất khẩu” cầu thủ vào thời điểm cuối năm đem lại nhiều giá trị lạc quan.

Nhìn từ Đồng Nai... ảnh 1

Chỉ cần một vụ “bán độ” thôi là số phận của một CLB lại đi thẳng đến đoạn kết… Ảnh: Nhật Anh

Tuy nhiên, bản chất của mọi vấn đề không luôn nằm ở phần sáng nhất và câu chuyện liên quan đến đội Đồng Nai đang được các nhà quản lý đưa lên bàn nghiên cứu.

Đồng Nai là một trường hợp cực kỳ đặc biệt đến mức có thể xem là điển hình của kiểu làm bóng đá “nửa nạc, nửa mỡ” của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Họ lên hạng không “chính danh” mà hiện cũng tồn tại theo kiểu không “chính thức”. Năm 2013, họ bất ngờ được đôn lên thay chỗ của Navibank Sài Gòn để đá V-League. Họ đá 2 mùa V-League khá ổn khi đều kết thúc với vị trí thứ 7 vào cuối mùa. Tuy nhiên, năm 2014 họ chịu tổn thất nặng với vụ án tiêu cực của 6 cầu thủ, đa số đều là dân ngoài tỉnh và chuyện gì đến phải đến, họ xuống hạng năm 2015 để rồi phải đối diện với nguy cơ xóa sổ.

Nói Đồng Nai là “điển hình” bởi số phận của CLB chẳng dựa trên một nền tảng nào cả. “Đẳng cấp” V-League của họ là do người ta “cho”, rồi chẳng ai quan tâm đến việc giúp họ xây dựng hoàn chỉnh một CLB chuyên nghiệp nên khi xuống hạng, lại có nguy cơ trở thành “vùng trắng”. Chúng ta đều biết, Đồng Nai là một tỉnh “giàu”, kiếm vài chục tỷ hoặc một vài doanh nghiệp tài trợ dài hạn đâu có khó. Thế nhưng, cái kết cục của Đồng Nai có lẽ chẳng khác gì An Giang, Kiên Giang, Kon Tum…

Một doanh nghiệp tầm cỡ mà đầu tư bóng đá chúng ta quý bao nhiêu thì một địa phương như Đồng Nai đá V-League lại càng phải có giá trị cao hơn nhiều. Vậy có cái gì đó mâu thuẫn hay không khi một CLB sẵn sàng kiếm vài chục tỷ đồng trong vòng vài tháng để được đá V-League nhưng sau đó, lại chẳng kiếm nổi vài tỷ đồng để giữ đội bóng đá hạng Nhất? Tại sao chỉ mới có 3 năm, sự hăm hở lại trở thành một gánh nặng? Tầm Đồng Nai với đầy đủ điều kiện để làm bóng đá chuyên nghiệp mà còn thê thảm đến vậy thì liệu  đó có phải là tấm gương tốt cho phong trào chung hay không?

***
Bóng đá Việt Nam có thể “xuất khẩu cầu thủ”. Mô hình của Học viện HA.GL – Arsenal đáng để các CLB học tập và bóng đá nước nhà sẽ có tương lai sáng sủa…, đó chỉ là những lời động viên không hơn không kém, nó chẳng nói lên bản chất của bóng đá Việt Nam.

Vì sao? Vì để duy trì một đội bóng mấy chục con người còn không xong, lấy sức lực đâu mà nghĩ đến đầu tư đến 10 năm theo kiểu của HA.GL? Để giữ một đội bóng, người ta còn phải chờ ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, vậy thì làm sao vận động được doanh nghiệp tài trợ dài hạn? Đành rằng thành công của HA.GL khiến bất kỳ ai quan tâm đến bóng đá đều cảm thấy “sướng”, thế nhưng bên cạnh đó lại có vô số “bài học” khác như N.Sài Gòn, XMXT.SG, Ninh Bình, An Giang, Kiên Giang… Chỉ cần một vụ “bán độ” thôi mà số phận của một CLB lại đi thẳng đến đoạn kết, liệu có lãnh đạo địa phương nào đủ can đảm để chỉ đạo đầu tư cho bóng đá lâu dài khi chẳng thể thấy được tương lai.

Việc Đồng Nai bị xuống hạng là chuyện bình thường. Cái bất thường nằm ở lý do khiến họ trở nên yếu đi trong mùa giải 2015 và thái độ chán nản sau khi họ trở lại hạng Nhất. Một đội bóng được đặc cách thăng hạng 3 năm trước nếu có trở lại “chốn xưa” thì cũng đâu có bất ngờ, thế thì tại sao vừa xuống hạng lại tính chuyện… dẹp luôn?

Đấy hoàn toàn không phải là chuyện riêng của Đồng Nai. Một nền bóng đá mà cứ thích thì chơi, chán thì bỏ, rõ ràng là chẳng có chút gì đáng tin cả.

Hồ Việt

Tin cùng chuyên mục