Tại bóng đá Nhật, để một đội bóng từ J-League 2 lên J-League 1 thì tiêu chí quan trọng đầu tiên là phải “đáp ứng đủ tiêu chuẩn J-League 1”, kế đến mới là thành tích. Dù là đội vô địch J-League 2 nhưng nếu không đáp ứng, thì nhường lại cho đội kế tiếp.
Tại Hàn Quốc, hơn 20 năm K-League không có thăng-xuống hạng chỉ vì họ muốn bảo đảm bất kỳ đội nào lên chơi tại giải đấu cao nhất cũng phải có tiềm lực ngang ngửa một công ty hạng trung bình. Đa số các CLB K-League vì thế đều được đứng sau bởi một tập đoàn tầm cỡ thế giới. Nói chung, yên tâm về mặt tiền bạc. Và như vậy, các nhà tổ chức K-League cũng chẳng bao giờ phải lo lắng chuyện tiền nong.
Những ví dụ trên cho thấy, nền tảng của các CLB mới là thứ quyết định sống còn đối với một giải đấu nhà nghề. Các đơn vị tổ chức giải đấu như VPF không phải là “nhà tài trợ” mà lẽ ra, việc họ tập trung duy nhất đó là kinh doanh kiếm thêm tiền cho các CLB. Thử nghĩ xem, nếu mỗi CLB tại V-League đều là những công ty có vốn 50-100 tỷ, đứng sau lưng là những “đại gia”, liệu có thương hiệu nào “dám” tài trợ V-League vài ba chục tỷ hay không. Ngược lại, nếu V-League cứ hết đội này than thiếu tiền, đội kia đòi giải tán vì không có tiền, thì các thương hiệu sẽ “nắm thóp” mà “ép giá” tài trợ V-League.

Hơn 20 năm K-League không có thăng-xuống hạng… Ảnh: T.L
Các CLB tại V-League nên nhìn lại mình trước khi trách móc VPF, một công ty mang tiếng là “rất to” nhưng khởi thủy lại chẳng có bao nhiêu vốn liếng. Cần phải nhớ rằng, một CLB là một công ty, tức là phải lo chuyện kinh doanh song song với việc đá bóng. Còn tình trạng "chạy ăn từng bữa" thì thôi cứ về đá phong trào cho… nhẹ đầu.
VIỆT LONG