Để lý giải về trận thua nặng ngay trên sân nhà trước Muong Thong, nhà vô địch Thái Lan, trong khuôn khổ vòng play-off AFC Champions League, HLV Lê Huỳnh Đức có “vặn” lại giới truyền thông: “Cơ sở nào để nói rằng V-League có trình độ cao hơn Thai - League để rồi đi đến kết luận SHB Đà Nẵng phải có kết quả tốt trước Muong Thong?”.
Ý kiến của HLV này có thể làm nhiều người khó chịu nhưng đấy lại là sự thật. Vị trí số 1 của V-League trong làng cầu Đông Nam Á do một tổ chức bình chọn dựa trên các tiêu chí khá mơ hồ và chỉ mang tính chất tương đối nhưng lại được “thổi” lên quá mức.
Người ta đồn rằng, cơ sở để cho rằng V-League hấp dẫn chính là ở lượng khán giả rất cao mỗi trận đấu được VFF thống kê. Cần phải thừa nhận là khán giả Việt Nam rất mê bóng đá và những sân bóng như Lạch Tray, Chi Lăng, Bình Dương hay Thanh Hóa… luôn đông nghịt khán giả mỗi cuối tuần. Tuy nhiên, con số trên một vạn khán giả mỗi vòng đấu mà VFF công bố đã bao gồm cả lượng khán giả của các sân mở cửa miễn phí để hòng thu hút người xem. Hơn nữa, với mức giá trung bình chỉ khoảng 1 USD/vé thì cũng là quá rẻ.
Khán giả đông thì cũng chưa chắc là chúng ta có một nền bóng đá chất lượng cao. Hãy xem những sân bóng tại Hà Nội, TPHCM thì biết, luôn vắng vẻ. Đấy là những nơi vẫn được xem là khó tính trong việc thưởng thức giải trí. Trong khi đó, do hoàn cảnh tương đối thiếu các hoạt động giải trí, những địa phương khác lại dễ hút khán giả đến sân bóng.
Người Việt Nam yêu bóng đá, yêu thể thao, đấy là điều không phải bàn cãi. Nhưng sẽ là ngộ nhận khi cho rằng chúng ta đang có một làng cầu chuyên nghiệp, mạnh nhất khu vực. Bóng đá hay thể thao chỉ phát triển nếu tự thân nó đem khán giả đến sân.
Việt Quang