Có tin lãnh đạo cao cấp của “ngũ đại gia” nước Anh vừa nhóm họp cùng tỷ phú người Mỹ Stephen Ross để bàn về việc nâng quy mô các giải đấu giao hữu quốc tế mùa Hè thành một giải mang tên Super League tại châu Âu. Các cơ quan truyền thông tại Anh ngay lập tức “nâng tầm quan điểm” khi cho rằng, đây sẽ là cuộc cạnh tranh với Champions League.
Thực ra, đây chỉ là câu chuyện mở rộng tầm ảnh hưởng của giải Ngoại hạng, thay vì ở Bắc Mỹ thì chuyển sang châu Âu, trong đó có một vài vòng đấu của giải Ngoại hạng sẽ thi đấu bên ngoài nước Anh. Về cơ bản, đấy chỉ là chuyện kinh doanh không hơn, không kém, hoàn toàn không có tính khả thi nếu cho rằng đang có kế hoạch ly khai khỏi Champions League danh giá.
Nhưng nhân chuyện này, cũng thấy giải Ngoại hạng gặp một vấn đề khá nghiêm trọng: Sự cân bằng giữa việc kiếm tiền và chuyên môn. Rõ ràng, sự bức bí về thành tích ngày càng kém ở Champions League đang lên đến đỉnh điểm. Cần phải lưu ý rằng, với các nhà tài trợ lớn của những đội như Man.United, Chelsea, Arsenal thì việc thi đấu tốt tại Champions League là điều khoản rất quan trọng trong hợp đồng. Thế nhưng, như Man.United chẳng hạn, ngay mùa đầu tiên của hợp đồng với adidas, họ đã rời Champions League ngay vòng bảng và thậm chí còn chưa chắc có mặt ở mùa sau. Phải chăng, chính sự rủi ro này đẩy các bộ óc kinh doanh nghĩ đến chuyện: không đá Champions League nhưng vẫn cứ đá bóng tại châu Âu thông qua Super League?
Đúng hay sai thì chưa biết, nhưng một “lối thoát” về mặt tài chính như vậy thì cũng đồng nghĩa với “ngõ cụt”. Các CLB Anh thi đấu ở châu Âu kém cỏi được cho là vì mất quá nhiều sức lực, thi đấu quá nhiều giải, chất lượng chuyên môn không theo kịp tần suất ra sân, trình diễn để “bán sóng truyền hình” nhiều hơn là tập trung cho việc cải tổ chiến thuật, con người. Nếu có thêm một giải đấu, chẳng biết có thay thế được Champions League hay không chứ trước mắt, khả năng kém cỏi tại châu Âu sẽ còn tiếp diễn.
VIỆT KHANG