
Số phận của bóng đá nữ ở SEA Games 26 còn chưa biết được định đoạt ra sao trong phút đấu bù giờ. Tuy vậy, nếu điều xấu nhất xảy ra, không chỉ đoàn thể thao Việt Nam và VFF méo mặt vì mất một mẻ vàng mà chính HLV trưởng đội Olympic Việt Nam Calisto có lẽ cũng phải than trời.
- Họa vô đơn chí
Cả Ủy ban Olympic Việt Nam lẫn VFF đều lên tiếng khẳng định, họ sẽ tìm mọi cách để thầy trò ông Trần Vân Phát không bị loại ngay từ “vòng gửi xe” ở SEA Games 26. Bởi trong cuộc đấu này, như Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ tiết lộ, LĐBĐ Đông Nam Á (AFF) cũng đã vào cuộc, can thiệp đến Hội đồng thể thao Đông Nam Á và chủ nhà Indonesia để phút chót, họ sẽ điền tên bóng đá nữ vào chương trình thi đấu của đại hội. Dẫu vậy, việc bóng đá nữ có lật ngược thế cờ vào phút bù giờ hay không, không ai dám quả quyết 100%.
Tình thế trớ trêu vượt ngoài kiểm soát đã đặt cả Ủy ban Olympic Việt Nam lẫn VFF ngồi lên đống lửa. Bởi thực tế, trong 4 kỳ SEA Games gần đây, thể thao Việt Nam thường xuyên có mặt trong tốp 3 đoàn dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương. Có điều, chiếc HCV chờ đợi nhất là bóng đá nam - môn thể thao vua tại Việt Nam - lại luôn bị ngoảnh mặt. Thế cho nên, trong nhiều kỳ SEA Games, đặc biệt là SEA Games 25 tại Lào, chính tấm HCV của bóng đá nữ là cứu cánh cho đoàn thể thao Việt Nam lẫn VFF để chữa thẹn trước tấm lòng của CĐV Việt Nam.
Mất cơ hội bảo vệ tấm HCV bóng đá nữ, mọi con mắt lại đổ dồn vào đội Olympic Việt Nam của ông Calisto. Hiển nhiên là trong thâm tâm, ai cũng muốn đội bóng của ông Calisto phá được cái dớp kéo dài hơn nửa thế kỷ (51 năm). Tuy nhiên, trường hợp không được bóng đá nữ đỡ đần, sức ép phải giành HCV đối với Olympic Việt Nam càng lớn. Điều đó chỉ làm cho thầy trò Calisto khổ sở thêm, vì họ đã quá thấu hiểu cảm giác được kỳ vọng đến thế nào, nhất là sau 2 thất bại liên tiếp tại chung kết SEA Games 25 lẫn AFF Cup 2010. Như thế quả là họa vô đơn chí!

Nếu đội tuyển nữ Việt Nam không được tham dự SEA Games tại Indonesia, áp lực thành tích sẽ càng nặng nề cho đội Olympic và HLV Calisto. Ảnh: Nhật Anh
- Hiệu ứng domino?
Trong cuộc mổ xẻ sau thất bại của tuyển Việt Nam ở AFF Cup 2010 trước tết Nguyên đán, VFF đã nêu chỉ tiêu cho Olympic Việt Nam phải có mặt ở chung kết SEA Games 26. Chỉ tiêu ấy tương đối “mềm”, nhưng sau đó, Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã bồi thêm: “SEA Games mà hạng nhì cũng như hạng bét!”. Có thể ngầm hiểu, VFF mềm dẻo chỉ tiêu, nhưng thực tế đã ngầm đưa mật lệnh đối với ông Calisto: Hoặc giành HCV SEA Games, hoặc rời khỏi chiếc ghế HLV trưởng.
Bây giờ, việc bóng đá nữ đối mặt nguy cơ bị loại ngay từ “vòng gửi xe” tại SEA Games 26 khác nào cái sảy, nảy cái ung cho cả VFF lẫn ông Calisto. Thông thường, đối với VFF, bóng đá nữ chỉ được đối xử như “con nuôi”, nhưng đội bóng ấy lại thường xuyên là cái khiên che đỡ cho VFF sau mỗi kỳ SEA Games. Chính vì vậy, nếu không còn cái khiên ấy, chẳng ai dám tin sau SEA Games 26, mọi thứ sẽ lại viên mãn cho bóng đá Việt Nam.
Trên thực tế, sau khi vuột mất HCV SEA Games 25 và thất bại ở AFF Cup 2010, VFF và HLV Calisto đều chịu sức ép cực lớn. Đối với riêng ông Calisto, thành tích phú quý giật lùi quả là không tương xứng đối với mức lương khủng nhận được từ VFF. Ngược lại, VFF thì cần thành tích để giúp tổ chức này sóng yên, biển lặng, giống như cái cách cả con thuyền VFF bỗng nhiên an toàn khi tuyển Việt Nam giành ngôi vô địch AFF Cup vào đúng thời điểm mãn hạn nhiệm kỳ VFF khóa V.
Ông Calisto có than trời nếu bóng đá nữ Việt Nam mất cơ hội bảo vệ ngôi hậu tại SEA Games 26? Điều đó chỉ mình ông thầy người Bồ gặm nhấm và lựa thế. Nhưng giả sử, chỉ có Olympic Việt Nam lãnh ấn chinh phục HCV SEA Games 26 mà thất bại, ông Calisto phải trả giá bằng chiếc ghế HLV trưởng thì có lẽ, VFF cũng không yên ổn. Hiệu ứng domino cũng thường xảy đến ở bóng đá Việt Nam, cho nên, hãy cầu trời cho Indonesia “vớt” bóng đá nữ trở lại SEA Games 26 vào phút chót!
Ngọc Linh
“Vá” bằng... AFF Cup?
Hôm qua, Tổng thư ký VFF Trần Quốc Tuấn tiết lộ, VFF đã lên phương án thay thế cho trường hợp đội nữ Việt Nam không có cơ hội được bảo vệ tấm HCV bóng đá nữ tại SEA Games 26. Theo đó, VFF sẽ đề nghị LĐBĐ Đông Nam Á (AFF) tổ chức giải vô địch bóng đá nữ Đông Nam Á 2011 để thay thế cho giải đấu bị “thủng” tại SEA Games 26. Ông Tuấn nói: “AFF đã có công văn gửi Hội đồng thể thao Đông Nam Á, chủ nhà Indonesia, nhưng một khi BTC SEA Games 26 bảo lưu quan điểm không tổ chức bóng đá nữ, VFF đề nghị AFF tổ chức AFF Cup cho các đội tuyển nữ tranh tài. Cuối tuần này, AFF sẽ họp và chúng tôi nhất định đưa ra quan điểm của mình”.
Ông Tuấn khẳng định, AFF không thể bàng quan trong việc bóng đá nữ bị gạt khỏi chương trình thi đấu của SEA Games 26. Bởi hiện tại, bóng đá nữ đang ngày càng phát triển ở khu vực Đông Nam Á và hoàn hảo nhất là duy trì mật độ 1 giải tầm khu vực/ năm.
G.Minh