Mùa gặt nào cho các tiền đạo nội?

Mùa gặt nào cho các tiền đạo nội?

1. Mới đây, tôi đọc được phát biểu của cầu thủ Lee Nguyễn trên báo chí, đại ý “Ngoại binh chưa chắc đã hay hơn nội binh. Ngoại binh có ưu thế về thể lực thể hình, lợi trong việc tì đè và không chiến trong khi nội binh lại có ưu thế về kỹ thuật và sự khôn ngoan”. Lee Nguyễn còn khẳng định nếu bây giờ xếp hai đội hình, một bên 11 ngoại binh và một bên gồm 11 cầu thủ nội, anh sẽ “bắt” đội nội binh. Khi nói như vậy, tôi tin Lee Nguyễn rất thật lòng, dù anh thuộc diện... ngoại binh.

Lee Nguyễn là ngoại binh, vì anh có quốc tịch Mỹ, nhưng về thể hình anh cũng như các cầu thủ Việt khác, nghĩa là anh không mạnh trong tốc độ bứt phá, tì đè hay tranh cướp bóng trên không. Nhưng xét trình độ và đẳng cấp các ngoại binh hiện nay, kể cả các cầu thủ ngoại đã nhập tịch, Lee Nguyễn thuộc dạng cầu thủ hiếm hoi có thể chơi bóng ở trình độ cao.

Chính trình độ chuyên môn của Lee Nguyễn đã chứng minh cho nhận định trên đây của anh: Bóng đá là môn chơi dựa trên kỹ thuật và đầu óc, chứ không hoàn toàn bị chi phối bởi sức vóc. So sánh với Maradona hay Messi thì quá khập khiễng, chỉ nhìn trong khu vực Đông Nam Á thôi, chúng ta cũng nhận thấy các ngôi sao bóng đá lừng lẫy nhất thời gian qua như Fandi Ahmad của Singapore, Kiatisak của Thái Lan, Kurniawan Yulianto của Indonesia hay Nguyễn Hồng Sơn của Việt Nam, tất cả đều có vóc dáng trung bình.

Tiền đạo Nguyễn Việt Thắng trong màu áo tuyển Việt Nam.

Tiền đạo Nguyễn Việt Thắng trong màu áo tuyển Việt Nam.

2. Trong 4 cầu thủ Đông Nam Á “nhỏ con” kể trên, trừ Nguyễn Hồng Sơn đá vai tiền vệ tổ chức, 3 ngôi sao còn lại đều chơi ở vị trí tiền đạo. Khi trả lời báo chí về khuynh hướng thích sử dụng ngoại binh ở vị trí tiền đạo trong sân chơi V-League, hẳn nhiên các ông bầu và các huấn luyện viên sẽ nói: Vì ở Việt Nam hiện nay không có mẫu cầu thủ như Fandi Ahmad, Kiatisak, Kurniawan Yulianto. Điều đó đúng, nhưng sẽ đúng hơn nữa nếu đề cập đến cái gốc của vấn đề: với khuynh hướng ưu tiên cầu thủ ngoại cho hàng tấn công như hiện nay, các câu lạc bộ ở V-League không tạo đủ điều kiện để xuất hiện những Fandi Ahmad, Kiatisak, Kurniawan Yulianto cho sân cỏ Việt Nam. Siêu sao thì cũng cần có cơ hội để rèn giũa và trưởng thành.

Nghịch lý một điều là trong khi quay lưng với tiền đạo nội, các câu lạc bộ ở V-League trong thời gian qua lại là nơi rèn giũa và giúp các tiền đạo ngoại tiến bộ và trưởng thành. Trừ vài cầu thủ tài năng thực sự như Kesley Alves, Philani, Leandro, hai anh em Carlos và Antonio Rodrigues, đa số các cầu thủ ngoại đến đầu quân cho các câu lạc bộ V-League đều có trình độ yếu kém, nhiều cầu thủ còn bị các huấn luyện viên lão luyện đánh giá là “chân gỗ”, thậm chí “không biết đá bóng”.

Thế nhưng nhờ chính sách ưu tiên cầu thủ ngoại cho hàng công của lãnh đạo các câu lạc bộ (chủ yếu nhằm khai thác chiều cao, sức mạnh, sự càn lướt của ngoại binh), các cầu thủ “chân gỗ” được ra sân thường xuyên nhờ đó có cơ hội rèn luyện và cải thiện dần trình độ vốn rất lôm côm của mình, thậm chí có người trở thành vua phá lưới. Trong khi đó, không ít cầu thủ nội tài năng ngày càng thui chột dần do không được sử dụng đúng mức.

3. V- League sẽ không hấp dẫn nếu không có ngoại binh. Và trình độ của các cầu thủ nội sẽ không tiến bộ nếu không có cơ hội cọ xát với ngoại binh hàng tuần trên sân cỏ. Đó là cái lợi. Nhưng tấm huy chương nào cũng có mặt trái của nó. Khi xuất hiện tâm lý sử dụng tiền đạo ngoại bằng bất cứ giá nào để “tranh thắng”, sự cân bằng chuyên môn bị phá vỡ. Đội Quân khu 4 trước đây chỉ cần cắm 3 ngoại binh lực lưỡng trên hàng công, toàn đội chỉ có nhiệm vụ “cắt - bùm” đưa bóng lên trên cho 3 tay “siêu quậy” này đua tốc độ, đã đủ sức khuấy động giang hồ V-League một thời gian dài.

Bây giờ, chiến thuật đó của đội bóng quân khu ngày nào đã được nhân ra trong diện rộng, đã trở thành “mốt” trong đời sống bóng đá V-League. Với “mốt” này, bóng đá không phát triển về mặt chiến thuật đã đành, các tiền đạo tiềm năng của Việt Nam cũng không bao giờ trở thành những Fandi Ahmad, Kiatisak, Kurniawan Yulianto hay Lê Huỳnh Đức. Mảnh đất trên hàng công đã bị các ngoại binh chiếm lĩnh, các tiền đạo nội bây giờ giống như người nông dân mất đất. Khi anh không được cày trên mảnh ruộng quen thuộc của mình, dĩ nhiên anh sẽ không có tương lai để gặt hái.

4. Bóng đá châu Âu cũng sử dụng ngoại binh trên hàng công. Nhưng khi Messi, Cristiano Ronaldo đá ở Tây Ban Nha thì tiền đạo Torres của Tây Ban Nha sang đá ở Anh, tức là vẫn có cơ hội để thi thố tài năng. Những ví dụ như thế rất nhiều, cho thấy bóng đá các quốc gia châu Âu có sự luân chuyển tài năng trong việc sử dụng tiền đạo ngoại. Trong khi đó, các tiền đạo V-League nếu không được sử dụng thường xuyên, sau một thời gian khả năng “luân chuyển” xuống... hạng nhất, hạng nhì là điều khó tránh khỏi!

Chu Đình Ngạn

Tin cùng chuyên mục