Bóng đá Việt Nam vài năm qua cứ quanh quẩn với câu hỏi tìm HLV cho đội tuyển nhưng rối vẫn hoàn rối. Từ việc chọn thầy nội hay thầy ngoại, kiêm nhiệm hay không kiêm nhiệm cũng mỏi mệt. Và đến lúc này thì VFF đưa ra phương án chọn HLV người Nhật để cầm cương đội tuyển.
Thoạt nghe thấy khá hợp lý khi nhìn vào bóng đá nước bạn hơn ta mọi mặt. Từ giải đấu J-League chuyên nghiệp, các đội tuyển mạnh, bóng đá trẻ được quan tâm có đầu có đũa, và sở hữu không ít CLB mạnh đạt đẳng cấp châu lục.
1. Có sự thật là bóng đá trong nước từng rơi vô cái vòng lẩn quẩn của kiêm nhiệm hay không kiêm nhiệm. Cụ thể là hồi đó nảy sinh vấn đề thầy giỏi đang có việc làm ngon lành, đương nhiên không chịu làm chuyên trách trên tuyển, còn HLV chấp nhận lên tuyển làm chuyên trách đa phần là người có chuyên môn bình thường và bị thất nghiệp.
Ngày đó cũng rối rắm khi nhiều nhà cầm quân giỏi như Lê Huỳnh Đức và Nguyễn Hữu Thắng dù muốn lên tuyển, nhưng vướng đội bóng đang làm cũng như không biết ông chủ hay cơ quan chủ quản có đồng ý? Trong khi đó VFF lại tỏ ra thiếu thiện chí với việc mời mọc, trân trọng người tài. Còn giới HLV ai cũng lắc đầu ngao ngán cho cảnh thành công sẽ được tung hô, còn thất bại sẽ phải nhận hết mọi tội lỗi và chịu búa rìu dư luận thay cho VFF.
Bóng đá Việt Nam từng bị giới chuyên môn đánh giá là đụng đâu bạ đó. Nó không bài bản như các nước Malaysia hay Thái Lan trong khu vực biết cơ cấu người từ trước cho chức danh trên đội tuyển QG cũng như U23 và tuyến trẻ kế cận. Tức là các nước họ làm căn cơ từ trước chứ không ngắt ngọn, hay nói đúng hơn là làm ăn mùa vụ giống ở ta đụng đâu “bốc” đó.
Nỗi khổ của nền bóng đá vài năm qua là sau khi HLV F.Goetz ra đi thì quanh quẩn với câu hỏi thầy nội nhưng vẫn không có lối thoát, và bây giờ ở nhiệm kỳ mới quay trở lại với phương án thầy ngoại. Cụ thể, VFF muốn mời HLV người Nhật sang nắm đội tuyển.

Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn và Tổng thư ký Lê Hoài Anh lên đường sang Nhật tìm HLV cho đội tuyển quốc gia. Ảnh: Hoàng Hùng
2. Sự thật thì bóng đá xứ mặt trời mọc được coi như hình mẫu cho nhiều quốc gia trong châu lục học hỏi. Nổi bật trong đó là J-League luôn thu hút nhà tài trợ và khán giả, dĩ nhiên là nhiều CLB sống được bằng tiền thu từ bán vé.
Còn các đội bóng ngày một “phình” lên với hiện tại là 52 CLB của J-League 1, J-League 2 và J-League 3 nhưng đội nào cũng chuyên nghiệp, đúng chuẩn. Theo như được biết, mỗi năm J-League thu về 120 triệu USD từ tiền tài trợ, bản quyền truyền hình và những khoản khác. Tất nhiên là bóng đá trẻ của Nhật cũng thuộc diện “đỉnh” của châu lục cùng cách đầu tư, chăm sóc quy củ.
Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa bóng đá Nhật toàn diện mà thực tế vẫn có những khoảng trống, nhất là yếu tố HLV giỏi đủ tầm làm việc ở cấp độ đội tuyển QG lại không nhiều. Thực tế thì đến lúc này, người Nhật vẫn phải dùng chất xám ngoại là nhà cầm quân người Italia Alberto Zaccheroni làm HLV trưởng đội tuyển QG của họ.
Lúc này chúng ta tính mời thầy người Nhật làm thuyền trưởng của đội tuyển QG. Vấn đề mới nghe qua tưởng hợp lý, nhưng thực chất nghĩ cho sâu lại không hẳn. Do nếu mời thầy người Nhật chỉ để nhắm đến giấc mơ ở khu vực thì còn may ra, chứ nói nâng lên tầm châu lục thì chưa chắc thành công(!?).
ĐỨC DŨNG