Khi VFF chống tiêu cực

Sau sự kiện một loạt HLV, trọng tài, quan chức đội bóng phải hầu tòa vì những vụ tiêu cực trong thời gian qua, các quan chức VFF vẫn thường tự hào nói rằng, bóng ma tiêu cực đã bị triệt tiêu khỏi các giải đấu Việt Nam. Vì thế, sự kiện VFF và C14 ký Quy chế phòng chống tiêu cực vào hôm qua đã khiến người ta phải đặt ra những câu hỏi về vấn đề này...
Khi VFF chống tiêu cực

Sau sự kiện một loạt HLV, trọng tài, quan chức đội bóng phải hầu tòa vì những vụ tiêu cực trong thời gian qua, các quan chức VFF vẫn thường tự hào nói rằng, bóng ma tiêu cực đã bị triệt tiêu khỏi các giải đấu Việt Nam. Vì thế, sự kiện VFF và C14 ký Quy chế phòng chống tiêu cực vào hôm qua đã khiến người ta phải đặt ra những câu hỏi về vấn đề này...

Đây không phải là lần đầu tiên VFF và C14 hợp tác phòng chống tiêu cực. Năm 2009, hai cơ quan này đã bắt tay ký Quy chế phòng chống tiêu cực. Trước đó, C14 và VFF đã phanh phui một loạt vụ tiêu cực vào năm 2005. Thời gian hợp tác thì dài, nhưng trên thực tế, C14 chỉ vào cuộc khi có sự vụ cụ thể. Nghĩa là cứ xảy ra scandal thì cơ quan này mới vào cuộc. Như thế, sự hợp tác giữa VFF và C14 mới dừng ở mức chống, chứ chưa thể gọi là phòng ngừa tiêu cực được. Bởi thế, quy chế mới ký vào ngày hôm qua liệu có đưa VFF và C14 tới sự hợp tác lẫn phối hợp qua lại, thay vì phải kêu gọi, nhờ vả như trước đây?

Quang cảnh lễ ký kết giữa VFF và C14.

Quang cảnh lễ ký kết giữa VFF và C14.

Sau “cơn bão” tiêu cực tràn lan trên diện rộng bị phá tan vào năm 2005, bóng đá Việt Nam đã sạch hay chưa? Thực tế thì trong 3 năm qua ở các giải đấu quốc nội từ Cúp QG, hạng Nhất tới V-League, giới truyền thông và dư luận đã không ít lần chỉ ra những trận đấu “có mùi”. Đồng thời, trong các bản tổng kết mùa giải, hay trong những lần trả lời báo giới xung quanh những trận đấu bị cho là có vấn đề, các quan chức VFF thường chọn cách tránh né, hoặc cho rằng sự việc đã bị thổi phồng.

Thế nhưng, chính Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ lại có quan điểm khác hẳn với cấp dưới của mình. Không ít lần ông Hỷ khẳng định: V-League, hạng Nhất… dù không còn tiêu cực theo kiểu bán mua, nhưng thứ “bóng đá tình cảm” thì vẫn còn. Ông Hỷ còn phân tích thêm rằng, thứ bóng đá tình cảm xuất phát từ tình nghĩa giữa những đội có quan hệ riêng, thậm chí là xuất phát từ những nhóm cầu thủ của hai đội.

Sự nhận định của ông Hỷ nhận được rất nhiều sự chia sẻ, bởi nó sát với thực tế. Bởi V-League, hạng Nhất vẫn có vô khối cặp đấu bị nghi dàn dựng theo kịch bản “3 đi, 3 về hay thắng sân nhà, thua sân khách”. “Bóng đá tình cảm” có được VFF xem là tiêu cực hay không và nếu có thì làm thế nào nào để bóc trần thứ thứ bóng đá này? Và liệu trong Quy chế mà họ vừa ký với C14, có điều khoản nào xử lý “bóng đá tình cảm” hay không?

o0o

Xâu chuỗi một loạt sự kiện trong vài năm qua, vẫn có thể nhận ra bóng ma tiêu cực vẫn lảng vảng quanh bóng đá Việt Nam. Thứ bóng đá tình cảm bị cho là trừu tượng, khó xác minh, thì gần đây, vụ 4 cầu thủ Tiền Giang nhận được tin nhắn gạ gẫm dàn xếp tỷ số có thể được đem ra xem xét như một vụ điển hình. Thế nhưng đến nay, vẫn chưa có một kết luận chính xác nào về việc này. Liệu đây có đơn thuần là trò đùa nhằm phá hoại đội Tiền Giang, hay là một cuộc mua bán độ thực sự?

Liệu những thứ “bóng đá tình cảm” đang tồn tại trong làng cầu Việt Nam có thể được triệt tiêu trong thời gian tới? (ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: NHẬT ANH

Liệu những thứ “bóng đá tình cảm” đang tồn tại trong làng cầu Việt Nam có thể được triệt tiêu trong thời gian tới? (ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: NHẬT ANH

Ở một góc nhìn khác, các trọng tài, CĐV có được xem là những đối tượng nằm trong Quy chế phòng chống tiêu cực hay không? Bởi công tác trọng tài vài mùa nay vẫn có không ít lời kêu ca về việc một tay còi, tay cờ nào đó có quyết định quá thiên vị cho đội A, đội B. Ngoài ra, những vụ quậy phá, đốt pháo sáng của CĐV, hay sự kiện phóng viên Duy Bùi bị nhân viên BTC sân Thiên Trường hành hung có được xem là một biểu hiện của tiêu cực, cần phải thụ lý, xem xét điều tra của C14 hay không, bởi C14 chính là Cục cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội? Tuy nhiên, vẫn chưa thấy VFF chưa trả lời các câu hỏi này.

o0o

Sau lễ ký kết hợp tác với C14 vào sáng qua, VFF sẽ có văn bản gửi các Sở VH-TT-DL đề nghị tăng cường chỉ đạo công tác quản lý nhà nước với các đội bóng, phòng ngừa tiêu cực. Đây là việc đầu tiên có thể làm trong nỗ lực xây dựng thứ bóng đá sạch. Khái niệm tiêu cực không thể xem là những vụ mua bán có mùi tiền bạc, nó còn là thứ “bóng đá tình cảm”, là bạo lực, là văn hóa trên khán đài, là những tiếng còi sai lệch....

Phòng và chống tiêu cực không chỉ là những công văn yêu cầu, mà cái chính là cần phải xác định rõ khái niệm tiêu cực để nhìn thẳng vào đó mà công tâm xử lý - đó mới là điều mà người ta trông chờ nhất vào sự hợp tác giữa VFF và C14 qua Quy chế Phòng chống tiêu cực mới ký vào sáng qua.

TƯỜNG KHÔI

Khi VFF chống tiêu cực ảnh 3
Phó Cục trưởng Cục C14 Hồ Sĩ Tiến. Ảnh: V.S.I

Tin cùng chuyên mục