Tây Ban Nha vô địch World Cup 2010 là nhờ kiên trì với lối chơi giàu kỹ thuật, giữ bóng chắc. Đó là những quan niệm đúng, đáng được tôn trọng và ngưỡng mộ. Tuy nhiên, theo một chuyên gia phân tích của ESPN thì không chỉ có vậy, thành công của từng đội tuyển nêu trên còn gắn liền với một thời điểm có thể gọi là lịch sử: thời điểm chia tay một danh thủ huyền thoại. Và đội tuyển Anh có thể noi theo đó.

Rooney đang cho thấy những sa sút lớn trong 2 năm qua.
Trong những năm đầu tiên của thế kỷ này, TBN luôn xây dựng đội hình dựa trên Raul Gonzalez mà không ai có quyền đặt dấu hỏi. Làm sao mà phản đối được, một khi Raul sở hữu kỹ thuật tốt như thế, tên tuổi anh đã vươn lên hàng “huyền thoại Real Madrid” như thế, đã từng bước trở thành tay săn bàn kỷ lục qua mọi thời đại của đội tuyển và đã cùng Morientes gieo rắc nỗi kinh hoàng trước vô số hàng phòng ngự.
Mặc dù vậy, cái thời đỉnh cao ấy cũng chỉ là... một thời nào đó mà thôi, nó không thể mãi mãi trường tồn bất chấp thời gian. Thật vậy, hết giai đoạn đỉnh cao thì chỉ còn đi xuống. Và anh càng đi xuống, cái suất thi đấu “bất khả xâm phạm” của anh ở đội tuyển càng bị xem là một trở ngại, cản trở sự phát triển của những chân sút đang lên như David Villa và Fernando Torres.
Cái “quy trình” thay đổi ấy bắt đầu từ World Cup 2006. Trong vòng đấu bảng, Villa và Torres đá tiền đạo, Luis Garcia theo sát ngay phía sau - nghĩa là ở vai trò “số 9 rưỡi” mà Raul vẫn thường đảm nhiệm. Vào đến giai đoạn 2, gặp đội Pháp, Raul mới trở lại đội hình và cũng đá phía sau Torres-Villa. Anh không truyền được niềm cảm hứng tấn công, không thể cứu đội nhà thoát khỏi thất bại 1-3 và bị loại.
Từ đó, sự nghiệp quốc tế của Raul coi như là chỉ còn đếm từng ngày, để rồi cái ngày cuối cùng đã đến cùng với trận gặp Bắc Ailen ở vòng loại EURO 2008. Cũng vẫn Raul-Villa-Torres đá tuyến trên. Cũng vẫn một màn trình diễn vừa nhạt nhòa vừa chất chứa vận rủi với cú dứt điểm dội cột trong vài phút chót. Rõ ràng có Raul bây giờ thì chỉ còn buồn chứ chẳng có vui. TBN thua choáng váng 2-3 và “hoàng tử Madrid” cũng chia tay vĩnh viễn với những trận đấu chính thức của đội tuyển.
Theo ESPN, như thế hóa ra lại hay, thậm chí có thể nói là... hay nhất. Đá 3 tiền đạo thì phải có 3 tiền vệ giàu cả kỹ năng lẫn ý thức phòng ngự ở phía dưới. Bỏ Raul, chỉ giữ lại bộ đôi Villa-Torres thì cũng chỉ cần 2 tiền vệ ở khu trung tâm, có thêm chỗ cho 2 tiền vệ tấn công biên - tức là “hàm lượng” tấn công cao hơn. Từ chỗ không hề được đoái hoài ở vòng loại hoặc vòng chung kết World Cup 2006, các tiền vệ như David Silva và Andres Iniesta tức khắc được trọng dụng và cũng lập tức phát huy tài nghệ. Như thực tế đã chứng minh, Silva và Iniesta sau này đã trở nên lừng danh khắp chốn.
Với các cây bút ESPN, đây chính là thời điểm khai sinh lối đá “tiki-taka”, đưa TBN vào một giai đoạn thành công vượt bậc với chức vô địch EURO 2008-World Cup 2010-EURO 2012.
***
So với Raul và TBN trước đây, Rooney và đội tuyển Anh hiện nay có những điểm tương đồng nào? Ngoài cái chuyện Rooney cũng là tiền đạo đội trưởng, còn có 3 điểm khác.
Một là cũng như Raul, suất thi đấu theo kiểu “diện chính sách” của Rooney đã bắt đầu gây khó khăn cho việc xây dựng chiến thuật. HLV Hodgson thích chuyển qua chuyển lại giữa 4-3-3 và 4-3-1-2, nhưng nếu có Rooney thì gần như không thể đá 3 tiền đạo nữa. Lý do rất đơn giản: Trong những trận xuất phát bằng Rooney và một trung phong cắm thực thụ, nếu muốn chuyển sang 4-3-3 thì phải đẩy Rooney ra cánh - và Rooney bây giờ thì không còn đủ sức đáp ứng cho những vị trí tốn sức như thế.
Điểm tương đồng thứ nhì là Rooney không còn phù hợp với lối chơi hiện tại. Đội tuyển Anh bây giờ rất đề cao tốc độ, sức rướn. Họ có rất nhiều cầu thủ cực kỳ nhanh, như Sturridge, Welbeck, Sterling, Walcott và Jamie Vardy. Theo các chuyên gia ESPN, đưa một Rooney chậm rãi khoan thai vào giữa cái tập thể nhanh nhẹn ấy thì dễ làm cho mọi sự bị chùng lại. Nói cách khác, có Rooney thì dễ có ảnh hưởng xấu đến phong độ trình diễn của những tuyển thủ Anh sáng nhất hiện nay.
Điểm đáng nói thứ 3 cũng là điểm cốt lõi nhất: Bóng đá Anh bây giờ đã xuất hiện nhiều tiền đạo giỏi chứ không chỉ trông đợi một mình Rooney như xưa. Thật vậy, cách đây 2 năm mà nói đến chuyện thay Rooney thì bói không ra người thay thế. Bây giờ, bóng đá Anh có nhiều sự chọn lựa, nhiều “chất liệu” để xây dựng nhiều phương án tấn công khác nhau hơn: Họ có Kane và Vardy là 2 tiền đạo dẫn đầu danh sách làm bàn ở Premier League. Họ có Sturridge, Welbeck, Sterling để xây dựng tấn công biên. Thế nên, chưa lúc nào lời kêu gọi ông Hodgson mạnh dạn đặt Rooney sang một bên lại mạnh mẽ bằng lúc này.
Làm như thế không phải là rũ bỏ công lao. Những gì Rooney đã đóng góp cho đội tuyển, mọi người đều luôn nhớ. Vấn đề chỉ là mỗi thời phải mỗi khác, mỗi gian đoạn chỉ ứng với một người hùng nhất định. Nếu TBN đã dứt khoát chia tay Raul để bước hẳn lên một tầm vóc mới, đội tuyển Anh cũng có thể theo đó mà làm - ESPN bình luận như vậy.
Hưng Nguyên (theo ESPN)