1. Lẽ ra, 2 trận đấu với JFL Selection phải tổ chức trong sân không có khán giả mới đúng. Mục đích của 2 trận đấu này là để HLV Miura thử nghiệm đội hình, sau một thời gian tập trung. Chẳng hiểu sao, nó lại thành một trận đấu có khán giả dù là không bán vé. Chính vì vậy, những thất bại của U.23 Việt Nam bị đem ra phân tích, thậm chí chuyện Miura không trả lời phỏng vấn sau trận đấu cũng bị xem là… bất thường.
Rõ ràng cách tổ chức kế hoạch cho U.23 Việt Nam đang có vấn đề về chất lượng. Rõ ràng trận đấu với JLF Selection chỉ có ý nghĩa chuyên môn với thầy trò ông Miura, chẳng hiểu vì sao lại mở cửa cho khán giả vào sân? Còn đâu những bí mật trong công tác huấn luyện. Còn nếu xem đây là kiểu trận đấu giao hữu quốc tế thì JLF Selection không thể xem là đối thủ tương xứng.

JLF Selection (phải) đa phần là các cầu thủ đang chơi ở giải hạng 4 Nhật Bản bất ngờ được thi đấu với U.23 Việt Nam.
2. Như chúng tôi đã từng đề cập, quá trình chuẩn bị cho VCK U.23 châu Á của thầy trò ông Miura đang diễn ra hết sức cẩu thả. Theo kế hoạch, U.23 Việt Nam sẽ đá 4 trận, con số cũng tạm xem là vừa đủ, thế nhưng đi sâu vào chi tiết thì có những điều rất đáng suy nghĩ. Thứ nhất, cả 4 đối tượng tập huấn đều đến từ Nhật Bản trong khi các đối thủ sắp đến của U.23 Việt Nam ở Qatar lại thuộc trường phái chơi bóng khác hẳn. Thứ hai, ngoài trận đá với U.23 Nhật Bản vào ngày 7-1 sắp đến tại Qatar thì 3 trận còn lại đều không thể xem là chất lượng. JLF Selection là tập hợp các cầu thủ đang chơi ở giải hạng 4 Nhật Bản trong khi đối thủ sẽ đá với U.23 Việt Nam vào ngày mai Cezero Osaka đến từ J-League 2 và sự có mặt của họ chủ yếu để làm “nghĩa vụ tài trợ”. Thế nên mới có chuyện, dù chỉ là trận giao hữu nhưng lại mang tên Cúp Yanmar hẳn hoi. Yanmar chính là thương hiệu tài trợ cho U.23 Việt Nam và cũng là sở hữu đội Cezero, nên trận đấu này rất khó bảo đảm về mặt chất lượng. Cuối cùng, theo lý thuyết huấn luyện, các trận đấu giao hữu luôn dồn vào sát ngày thi đấu chính thức để giúp HLV rà soát chiến thuật lẫn con người. Đằng này, 3/4 trận đấu trong kế hoạch diễn ra dồn dập trong vòng 5 ngày, sau đó lại "tập chay” gần 20 ngày mới có thêm trận đấu cuối cùng. Đây là lý do mà chúng tôi cho rằng, dù có 4 trận đấu nhưng thực ra chẳng giúp được gì cho HLV Miura cả bởi lúc cần thì không có, lúc chưa cần thì đá dồn dập.
3. Các đội tuyển có thành tích kém, trách nhiệm đổ hết cho HLV Miura nhưng trên thực tế, suốt từ khi ông này nhậm chức đến nay, ngoài đợt chuẩn bị cho Asiad 17, phần lớn kế hoạch còn lại chịu sự lệ thuộc vào các nhà tài trợ Nhật Bản. Các đội tuyển rất bị động ở những trận giao hữu dù chưa bao giờ có nhiều nhiệm vụ quan trọng đến thế chỉ trong vòng có hơn 1 năm qua. Trách nhiệm phải nằm ở VFF, nơi có một vị phó chủ tịch kiêm nhiệm nhiều chức vụ tại AFC, AFF nhưng lại không thể tạo được cơ hội cho đội tuyển thi đấu những trận giao hữu thực thụ, có đẳng cấp, khiến đội tuyển quốc gia từ chỗ “hàng hiệu” trở thành “hàng chợ”, chủ yếu là để phục vụ cho các nhà tài trợ mà thôi.
Hồ Việt