
Ngay sau khi Báo SGGP đề cập đến vấn nạn bạo lực trên sân cỏ Việt Nam, rất nhiều chuyên gia bóng đá đã bày tỏ sự lo ngại về đạo đức nghề nghiệp đang bị thả nổi trên sân đấu.
Ông Trần Duy Long, Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn Liên đoàn Bóng đá TPHCM nói: “Phong trào bóng đá hiện nay đang phát triển rất rộng và nhiều đội bóng ít được huấn luyện về luật, điều lệ. Ngay từ bóng đá trẻ, bóng đá học sinh, các thầy cũng ít quan tâm về vấn đề này. Đã xem đá bóng là một nghề thì hãy tôn trọng đồng nghiệp của mình. Những pha va chạm dẫn đến chấn thương một cách vô tình có thể chấp nhận, nhưng nếu cố tình vào bóng ác ý, triệt hạ đối phương thì không còn tính nhân văn nữa”.

Cầu thủ ăn thua đủ với trọng tài tại một trận đấu ở V-League mùa giải 2009. Ảnh: Ng.Nhân
Về phần mình, ông Bùi Như Đức, Ủy viên Hội đồng Trọng tài quốc gia, cho rằng sở dĩ xảy ra bạo lực sân cỏ là do cầu thủ ít hiểu luật. Ông nói: “Trong xã hội cũng như trên sân cỏ, không thể chấp nhận những hành động được gây ra bởi sự nóng giận. Cầu thủ khi đá bóng phải hiểu sự nóng giận, cay cú, phạm luật đều bị xử lý thích đáng bằng thẻ phạt. Tiếc là sự hiểu luật của cầu thủ còn hạn chế và không nghĩ đến những hậu quả, thiệt thòi mà họ và CLB phải nhận.
Từng phải nghỉ thi đấu vì chấn thương nặng, cựu cầu thủ Trần Minh Chiến cho rằng, bóng đá là môn thể thao bắt buộc có va chạm, vấn đề là cầu thủ phải có ý thức tôn trọng nghề nghiệp. Anh cho biết: “Thật ra bạo lực sân cỏ không nằm ở số lượng thẻ vàng, thẻ đỏ. Điều quan trọng là những hành vi phản thể thao ở trên sân mà hậu quả đôi khi rất khó lường, có thể làm cho chính đối phương phải giải nghệ. Hiện đang làm công tác đào tạo cầu thủ trẻ, điều mà tôi cũng như nhiều anh em đồng nghiệp mong muốn nhất là những cầu thủ của mình khi trưởng thành vừa giỏi nghề vừa có đạo đức…”.
Trên khía cạnh chuyên môn, ông Dương Văn Hiền (từng 3 năm giữ danh hiệu Còi vàng) chia sẻ: “Tôi còn nhớ là khi đi học các khóa tập huấn trọng tài, các thầy đều căn dặn là khi rút thẻ phạt, trọng tài phải đứng xa cầu thủ, vì dễ bị… thụi vào người. Trường hợp của Mai Hoàng Trang có lẽ là chuyện không may. Lỗi đến từ nhiều phía, kể cả ban tổ chức giải bởi trước đây có những trường hợp xử phạt chưa đủ tính răn đe cầu thủ nên càng về sau càng dễ bị lờn thuốc. Ngay như trường hợp của Công Vinh, chỉ lạy trọng tài còn bị phạt 6 trận thì chuyện cầu thủ đánh trọng tài nữ, nếu chỉ phạt vài trận như quyết định ban đầu của ban tổ chức là còn quá nhẹ”.
QUỐC CƯỜNG
- Thông tin liên quan:
>> Bạo lực trên sân cỏ chưa có thuốc đặc trị