
Chuyên gia bóng đá Trần Văn Phúc khi đánh giá về chuyện bầu Hiển bỏ bóng đá, cho rằng lẽ ra ông Hiển phải nên bỏ từ đầu, đại loại như “tham làm gì, người ta nói cho!”. Một vài người làm bóng đá khác, trong đó có cả các CĐV thì còn cho rằng, chẳng có các ông bầu thì “cũng không chết ai”, kiểu gì thì bóng đá cũng sống.

Với sự chung tay của bầu Hiển, SHB Đà Nẵng đã trở thành “đại gia” của làng bóng đá nước nhà trong những năm qua. Ảnh: Phi Hải
Đấy là cách nghĩ của đa số người làm bóng đá hiện hay. Nghĩ như vậy, đương nhiên là không sai. Bóng đá chẳng tự sinh ra mà chẳng tự “chết đi”. Nói theo kiểu đó, ai nói cũng được.
Nhưng cứ thử nghĩ: nếu bầu Hiển trả lại đội bóng cho Đà Nẵng và trong thời buổi khó khăn hiện nay, chẳng có ai nhận chuyển giao, vậy đội bóng sẽ vận hành thế nào? Chắc chắn là chẳng có chuyện “chết chóc” gì ở đây cả, với một lãnh đạo mê bóng đá như Bí thư Thành ủy Đà Nẵng thì vẫn sẽ có nhiều doanh nghiệp chung tay “nuôi” đội bóng. Nhưng ông Bí thư rồi cũng phải về hưu, người thay ông chắc gì đã mê bóng đá. Hơn nữa, cứ “góp gạo thổi cơm chung” như vậy thì đến đâu. Cái kiểu “quyền lợi nhận đủ, trách nhiệm chia đều” đó chỉ dẫn đến trì trệ, xung đột. Tốt đẹp gì cho bóng đá!
Còn nữa. Không có nguồn tiền dồi dào, ngân sách hoạt động vừa đủ, chắc gì HLV nói mà cầu thủ đã nghe. Mà ở bóng đá Việt Nam, chuyện quản lý nội bộ luôn là yếu tố quan trọng tạo nên thành công. Với các CĐV, họ vẫn tin là đội bóng không thể “chết” nhưng cũng chính các CĐV, ai mà chẳng muốn đội mình thành công, có thành tích. Khổ nỗi, thực tế là các CĐV chẳng phải là nguồn sữa chủ lực để nuôi đội bóng. Nói thì dễ, làm mới khó.
o0o
Ở đây, chúng tôi muốn nói đến một vấn đề: muốn làm bóng đá chuyên nghiệp thì phải bắt đầu từ cách nghĩ của người làm bóng đá. Nếu còn kiểu suy nghĩ “có cũng được, không có chẳng sao” thì chỉ khiến bóng đá đi thụt lùi.
Cũng vì cách nghĩ này mà khi các doanh nghiệp đổ tiền cho bóng đá, người ta chỉ tìm cách khai thác cho bằng hết túi tiền của các ông bầu. Từ những người huấn luyện đến cầu thủ và thậm chí, cũng chẳng ít các Hội CĐV cứ nghĩ rằng “mỏ vàng” ấy cứ việc khai thác. Đối với VFF cũng vậy, hơn một thập kỷ làm bóng đá chuyên nghiệp vừa qua, họ đã làm gì để cải thiện nguồn thu từ bóng đá? Hoàn toàn không. Ngay cái chuyện bản quyền truyền hình thì hình như sau khi AVG tự đến, thì phần sau là của VPF. Công việc của VFF gần như chỉ… chờ “sung rụng”.
Thế mới có chuyện, các CLB chuyên nghiệp chỉ là kiểu “tài sản cá nhân” của các ông bầu. Khi họ có tiền, cả làng cùng hưởng. Khi doanh nghiệp rút đi, người ta chặc lưỡi “còn bao nhiêu, làm bấy nhiêu”. Rốt cuộc, một lộ trình phát triển chuyên nghiệp hầu như bị gãy đổ khi cả nền bóng đá chỉ chăm chăm “khai thác mỏ” chứ không hề tự mình làm ra tiền.
Vì thế, xin đừng đánh giá thấp chuyện các ông bầu rút lui khỏi bóng đá. Họ ra đi không chỉ đem theo cả “mỏ vàng” và còn cả tiền đồ của bóng đá Việt Nam.
Hồ Việt