Cơ sở vật chất ngành TDTT TPHCM: Chưa đủ và chưa xứng tầm

Ngày 6-1-2010, Thủ tướng chính phủ có quyết định số 24/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025, để TPHCM phát triển theo hướng liên kết vùng, trở thành đô thị đặc biệt; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ; đầu mối giao lưu quốc tế; trung tâm công nghiệp, dịch vụ đa lĩnh vực của Đông Nam Á… Hòa trong tổng thể này lẽ ra cơ sở vật chất (CSVC) TDTT ở TPHCM cũng “hoành tráng” không kém. Nhưng thực tế không hẳn là vậy.
Cơ sở vật chất ngành TDTT TPHCM: Chưa đủ và chưa xứng tầm

Ngày 6-1-2010, Thủ tướng chính phủ có quyết định số 24/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025, để TPHCM phát triển theo hướng liên kết vùng, trở thành đô thị đặc biệt; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ; đầu mối giao lưu quốc tế; trung tâm công nghiệp, dịch vụ đa lĩnh vực của Đông Nam Á… Hòa trong tổng thể này lẽ ra cơ sở vật chất (CSVC) TDTT ở TPHCM cũng “hoành tráng” không kém. Nhưng thực tế không hẳn là vậy.

  • Quỹ đất teo dần 

Ngày 3-1-2003, UBND TPHCM ban hành quyết định số 01 phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở vật chất ngành TDTT TPHCM đến năm 2020, trong đó ghi rõ: “quỹ đất dành để xây dựng công trình, phục vụ hoạt động TDTT đến năm 2020 phải đạt bình quân 2m2/người. Ưu tiên đầu tư phát triển cho 5 quận mới và các huyện. Tùy thế mạnh, truyền thống của từng quận, huyện có bộ môn chủ đạo để tập trung đầu tư CSVC phù hợp”.

Năm 2002, diện tích đất của TDTT ở TPHCM là 524,72ha, bình quân 1m²/người, nếu không tính 300ha là sân golf thì bình quân đầu người rất thấp (0,4m²). Đến năm 2020, muốn đạt chỉ tiêu bình quân 2m²/người như vừa nêu, diện tích đất dành cho TDTT phải tăng thêm 1.518,9ha so với năm 2002.

Thực tế cho thấy, theo quyết định phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 và kế hoạch sử dụng đất từ năm 2006-2010 của UBND TPHCM ban hành cho 24 quận huyện thì tổng diện tích đất của TDTT toàn TPHCM giảm còn 468,96ha, trong đó khu vực 13 quận nội thành (từ 112,10ha năm 2002 còn 83,39ha) và 6 quận mới (từ 350,4ha còn 322,84ha) bị giảm đáng kể.

Mặt khác, quỹ đất TDTT có tăng theo quy hoạch thì chủ yếu ở các quận mới và huyện ngoại thành, trong lúc khu vực nội thành chỉ có Bình Thạnh (tăng 8,30ha) và Tân Phú (tăng 9,02ha) được cải thiện phần nào.

Nhà thi đấu Phú Thọ là một trong số ít những công trình của ngành TDTT TPHCM đủ điều kiện tổ chức những sự kiện thể thao quốc tế.

Nhà thi đấu Phú Thọ là một trong số ít những công trình của ngành TDTT TPHCM đủ điều kiện tổ chức những sự kiện thể thao quốc tế.

  • Chất lượng công trình chưa ổn 

Xét về số lượng công trình, TPHCM có cơ ngơi mà nhiều địa phương khác “mơ” cũng không thấy, chẳng hạn: hơn 500 CLB quần vợt, hơn 200 CLB và phòng tập tạ-thể hình, hàng trăm hồ bơi… TPHCM cũng sớm xuất hiện các loại hình thể thao giải trí như CLB billiards, CLB khiêu vũ thể thao, khiêu vũ dưỡng sinh, Yoga…

Nhưng đi vào thực chất, CSVC có thể đáp ứng cho tổ chức các giải quốc gia, quốc tế chủ yếu tập trung vào sân vận động, nhà thi đấu, cụ thể là 8 SVĐ (Thống Nhất, Quân khu 7, Tao Đàn, Hoa Lư, Củ Chi, quận 8, Phú Nhuận, Thành Long) và 11 Nhà thi đấu (Phú Thọ, Tân Bình, Trung tâm TDTT Quốc phòng 2, Rạch Miễu, Phan Đăng Lưu, Lãnh Binh Thăng, quận 8, Bình Phú, Vân Đồn, Phan Đình Phùng, Nguyễn Du).

Các công trình TDTT ở TPHCM trông khá bề thế, nhưng chất lượng hoạt động không phải lúc nào cũng ổn.

Các công trình TDTT ở TPHCM trông khá bề thế, nhưng chất lượng hoạt động không phải lúc nào cũng ổn.

Trong khi đó, với những môn đòi hỏi CSVC và thiết bị đặc thù như thể thao dưới nước, các môn thể dục thì TPHCM không đạt chuẩn chuyên môn. TPHCM chưa hề có cung thể thao dưới nước đảm bảo tiêu chuẩn của nhảy cầu, bóng nước, bơi nghệ thuật. Trong hàng trăm hồ bơi trên địa bàn, chỉ hồ Phú Thọ được xem là hiện đại nhất nhờ có bảng điện tử để đăng cai giải quốc gia. Nhưng hồ này lại không đạt chuẩn của môn bóng nước, bơi nghệ thuật, nhảy cầu, chí ít là chưa thỏa quy định về diện tích (30x20m) và độ sâu (2,2-3,4m) chứ chưa nói đến trang thiết bị chuyên môn đi kèm.

Vì lẽ đó, bộ môn nhảy cầu TPHCM ra đời từ năm 2004 nhưng đến nay vẫn phải tập “ké” hồ của Cung văn hóa lao động TPHCM 1 buổi/ngày, bởi đây là hồ duy nhất ở TPHCM có bục nhảy, dù hết 3 (trong 5) nội dung thi không có ván tập là cầu mềm 1m, cầu cứng 7m và 10m. Cái sẵn có là cầu mềm 3m, cầu cứng 5m lại xuống cấp do CSVC hiện hữu ở CVH Lao động, xây dựng hơn 70 năm trước và chưa được sửa chữa hoặc thay mới lần nào.

Đến cuối năm 2009, ngành TDTT TPHCM đã thương thảo với CVH Lao động để được thay ván tập của 2 nội dung sẵn có mà không ảnh hưởng đến hiện trạng tại đây. Từ năm 2004 đến nay, TPHCM thường xuyên cử VĐV nhảy cầu tập huấn ở Trung Quốc. Thử hỏi, mọi kỹ thuật, độ khó tích lũy trong quá trình tập huấn này làm sao phát huy khi VĐV tập luyện tại chỗ trở lại với CSVC vừa thiếu, vừa không đảm bảo chuyên môn như trên?

Với các môn thể dục, dù có CLB Trần Hưng Đạo là nơi tập luyện thường xuyên của môn thể dục dụng cụ, thể dục nghệ thuật nhưng trang bị dụng cụ không phải lúc nào cũng đồng bộ, ví dụ: cầu thăng bằng hiện có 3 cái cũng không đúng tiêu chuẩn quốc tế; đường chạy nhào lộn không đủ an toàn cho VĐV tiếp đất khi thực hiện các động tác khó.

Ngày 26-4-2002, quyết định số 57 của Thủ tướng chính phủ về phê duyệt quy hoạch phát triển ngành TDTT đến năm 2010 có nói TPHCM làm nhiệm vụ trung tâm thể thao của quốc gia nên được hình thành khu liên hợp thể thao quốc gia gồm nhiều công trình đủ tiêu chuẩn quốc tế. Nhưng từ đấy đến nay, ngành TDTT TPHCM chỉ thấy quỹ đất dành ở quy hoạch khu Liên hợp TDTT Rạch Chiếc “teo tóp” từ 410ha xuống còn 177ha.

Nên dễ hiểu khi Việt Nam đăng cai các đại hội thể thao khu vực, châu lục như SEA Games 22, Asian Indoor Games 3, TPHCM chỉ có thể đảm nhận một số môn phù hợp với CSVC hiện hữu, chứ chưa thể coi như “linh hồn” của đại hội cho xứng đáng với tầm vóc phát triển của TP.

Nhìn lại để thấy, thực trạng CSVC TDTT còn hạn chế so với định hướng phát triển về  cả quỹ đất lẫn quy mô công trình cũng là sự kìm hãm, khiến ngành TDTT TPHCM nhìn “bề thế” là vậy, mà chất lượng hoạt động không phải lúc nào cũng ổn.

THỤC OANH

Tin cùng chuyên mục