Chút lạm bàn về bóng đá 2013: Tây Ban Nha vẫn thăng hoa

Bóng đá thế giới đã như thế nào trong năm 2012 và sẽ như thế nào ở năm 2013 này, có lẽ chúng ta chỉ cần nhìn vào đội hình tiêu biểu mà FIFA mới công bố cách đây ít hôm cũng có thể hình dung được. Đây là lần đầu tiên đội hình 11 người ấy bao gồm toàn bộ là các cầu thủ đang thi đấu ở La Liga, với 10 người từ bộ đôi Barcelona-Real Madrid và Radamel Falcao từ Atletico Madrid.
Chút lạm bàn về bóng đá 2013: Tây Ban Nha vẫn thăng hoa

Bóng đá thế giới đã như thế nào trong năm 2012 và sẽ như thế nào ở năm 2013 này, có lẽ chúng ta chỉ cần nhìn vào đội hình tiêu biểu mà FIFA mới công bố cách đây ít hôm cũng có thể hình dung được. Đây là lần đầu tiên đội hình 11 người ấy bao gồm toàn bộ là các cầu thủ đang thi đấu ở La Liga, với 10 người từ bộ đôi Barcelona-Real Madrid và Radamel Falcao từ Atletico Madrid.

...Thế mới lạ chứ! Kết quả này có được không phải từ các nhà báo thể thao, không phải từ người hâm mộ, càng không phải một hội đồng chấm điểm hoa hậu hoặc Ban giám khảo… The Voice nào. Đội hình tiêu biểu của FIFA là do lá phiếu của các cầu thủ chuyên nghiệp trên khắp thế giới chọn ra. Đã là dân trong nghề với nhau, đương nhiên là họ có đủ lý do xác thực để chọn - mặc dù khó tránh khỏi tranh cãi.

Thật vậy, đã có tranh cãi. Nhiều nữa là đằng khác. Chẳng hạn, tranh cãi về chuyện thủ môn Iker Casillas có thực là số 1 thế giới hay không, có hay hơn Buffon của Ý hay Neuer của Đức hay không. Tương tự, hậu vệ cánh tiêu biểu Dani Alves có đúng là tiêu biểu hơn Philipp Lahm của Bayern hay không, hoặc Ramos có hơn được Hummels/Chiellini hay không. Một số cây bút ở Anh quốc thậm chí còn tuyên bố Pirlo lẽ ra phải được chọn chứ không phải Xavi, vì khả năng tự mình xâm nhập hoặc giúp đồng đội xâm nhập của Pirlo cao hơn.

Đồng thời, các cây bút ấy cũng tuyên bố Drogba, Van Persie lẽ ra phải cạnh tranh được ít nhất một vị trí trên hàng tiền đạo của đội hình tiêu biểu. Bởi vì Drogba đã dùng sức mạnh ý chí và cả sức… khỏe như một con voi rừng để kéo Chelsea vượt qua bao nhiêu thử thách ghê gớm nhất trong hành trình vô địch Champions League. Còn Van Persie, đơn giản là anh đã chơi quá hay ở Arsenal và vẫn đang chơi rất hay ở Man.United.

o0o

Có điều, những cuộc bàn cãi như thế cũng chỉ như… cãi chày cãi cối. Trên khắp châu Âu, một trong những cái nôi hội tụ mọi tinh hoa của bóng đá thế giới, thử hỏi từ trước đến nay có tiền đạo nào ghi tới 91 bàn thắng trong một năm như Messi? Trong lịch sử Quả bóng vàng, thử hỏi có cầu thủ nào 4 lần đoạt giải - và liên tiếp - như Messi? Đồng thời, trong vài năm gần đây, cũng thử hỏi có… Quả bóng bạc nào tài năng bằng Cristiano Ronaldo? Có chân sút nào được thị trường chuyển nhượng ráo riết săn tìm như Falcao hiện thời?

Bóng đá Tây Ban Nha vẫn tiếp tục thăng hoa trong năm 2013.

Bóng đá Tây Ban Nha vẫn tiếp tục thăng hoa trong năm 2013.

Những cầu thủ như thế được bình chọn là đúng, bởi vì họ đã để lại cho năm 2012 những dấu ấn rất lớn về mặt chuyên môn. Họ chi phối lớn các trận đấu, tỏ rõ sức ảnh hưởng rất lớn đến cả một giải đấu và thậm chí có thể chuyển hướng cả một hệ thống tư duy thi đấu trên bình diện toàn cầu.

Messi nổi bật lên nhờ Barcelona và ngược lại cũng giúp Barcelona thành công hơn. Trong nhiều trận đấu, Barca đã tàn sát đối thủ bằng cách vẫn bố trí Messi-Fabregas ở giữa, nhưng kéo lùi hẳn về phía sau như thể không còn tiền đạo thực thụ nào. Trong vòng chung kết EURO 2012, đội tuyển Tây Ban Nha với những cầu thủ Barca như Xavi, Iniesta, Fabregas cũng đã tiến đến chức vô địch một cách đầy thuyết phục với chiến thuật 4-6-0 ấy.

Tất nhiên, đây chẳng phải là một phát minh mới. Nhiều năm trước, AS Roma cũng đã giấu tiền đạo như thế, Man.United cũng từng chơi 4-6-0 như thế khi kéo Rooney về khu vực tiền vệ. Nhưng để phát triển chiến thuật ấy lên đến độ hoàn hảo, đạt được những thành công chói lọi nhất thì chỉ có đội tuyển Tây Ban Nha với bộ khung Barca mà thôi. Và họ đã hoàn thiện lối chơi của mình khi khắp nơi vẫn còn đang say sưa với trào lưu 4-2-3-1.

Nói cách khác, bóng đá Tây Ban Nha vốn ngày nào còn tụt hậu nhưng hình như bây giờ lại đi trước mọi nơi cả một bước dài. Đến độ ngay ở vùng Đông Nam Á này cũng có một đội tuyển quốc gia bắt chước theo lối chơi ấy, để rồi nhiều lúc phải phì cười. Barca/Tây Ban Nha chơi theo chiến thuật “trung phong ảo” là vì họ quá ăn ý, quá giỏi về kỹ thuật và quá tinh thông với đủ mọi kiểu phối hợp biến hóa khôn lường. Ngược lại, những nơi bóng đá lạc hậu mà cũng bày đặt noi theo thì chỉ tạo ra một trận đấu… lộn xộn.

o0o

Bởi vậy, nếu năm 2012 đã là năm của La Liga, của Tây Ban Nha thì có lẽ năm 2013 cũng vậy. Có thể Bundesliga luôn đi đầu về lượng khán giả, Serie A luôn đặc sắc với trình độ chiến thuật, Premier League luôn hừng hực khí thế và luôn tiếp thị thành công đến mọi ngóc ngách nhỏ nhất trên quả đất này. Thế nhưng, La Liga vẫn là số 1 về trình độ chuyên môn, nơi quy tụ những cầu thủ hay nhất. Lá phiếu của thế giới cầu thủ khi bình chọn đội hình tiêu biểu FIFA đã nói như vậy.

Một giải đấu có chất lượng chuyên môn cao, tạo nhiều cơ hội cho những ngôi sao bản địa trổ tài thì đương nhiên là sẽ tạo ra được một đội tuyển quốc gia mạnh. La Liga đang là như thế và năm nay cũng sẽ như thế. Bây giờ đi đâu cũng thấy nói nhiều về Barca, Real, cũng giống như chỗ nào cũng gặp Pepsi-Coca hoặc Nike-Adidas. Vậy cũng hay…  

Tiến Minh

Tin cùng chuyên mục