Điều gây ngạc nhiên cho cả giới chuyên môn lẫn người hâm mộ chính là sự nghèo nàn và ngờ nghệch trong lối chơi của đội tuyển Nhật Bản, ứng cử viên số 1 cho ngôi vương, trong trận chung kết với tập thể còn khá trẻ như Qatar. Khung thành của Gonda liên tục rung chuyển dưới sức mạnh tấn công và những cú sút như búa bổ của cầu thủ đối phương, biến Nhật Bản trở thành vai phụ.
Qatar càng chơi càng hay, nhanh và sắc sảo trong mọi pha lên bóng, tấn công hay phản công cũng đều tiềm ẩn những mối nguy hiểm thường trực, bất chấp ở phần sân bên kia là những cầu thủ Nhật Bản đang chơi bóng ở các CLB hàng đầu tại châu Âu, và cũng cách đây vài tháng thôi, họ còn xếp ở vị trí thứ 15 của World Cup 2018.
Chỉ sau 12 phút, Qatar đã khiến mành lưới của Gonda phải rung lên sau pha xử lý điệu nghệ trước khi tung người móc bóng đánh bại trung vệ dạn dày kinh nghiệm Yoshida và cả thủ thành của Nhật Bản. Đấy là một bàn thắng hoàn hảo sau đường chuyền hoàn hảo của Akram Afif từ biên trái vào.
Nhật Bản bế tắc và dần trở nên rối loạn vì các tuyến bị cắt rời vì lối đá áp sát rất nhanh và khôn ngoan của các cầu thủ Qatar. Tính kỷ luật vốn là sở trường của họ biến mất, để thay vao đó là sự run rẩy trước một Qatar chơi hay đến bất ngờ.
Qatar đăng quang sau chiến thắng 3-1 đầy ấn tượng và thuyết phục trước ứng cử viên Nhật Bản. Họ thậm chí còn thiết lập nên những cột mốc đáng nhớ khác: lần đầu tiên vào chơi chung kết nhưng đã vô địch với chuỗi 7 trận toàn thắng (ghi 19 bàn và lọt lưới 1 bàn), tiền đạo Almoez Ali đoạt danh hiệu “Vua phá lưới” với 9 pha lập công (vượt qua kỷ lục 8 bàn mà huyền thoại Ali Daei từng nắm giữ), tiền vệ Akram Afif có đến 9 pha kiến tạo cho đồng đội ghi bàn, đồng thời đóng góp 1 bàn thắng.
Chiến thắng của Qatar ở Asian Cup 2019 đã gây sốc giới quan sát châu Á, nhưng lại giúp bóng đá xứ này trình làng một lứa cầu thủ tài năng, đầy triển vọng để hướng đến Vòng chung kết World Cup 2022, nơi họ chính là quốc gia đăng cai.