Hôm qua, trang VFF vừa ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo và cả Ban tổ chức của trận giao hữu quốc tế lượt về giữa Việt Nam và Indonesia vào ngày 22-9 tới. Tổng cộng có đến 14 thành viên của 2 ban này.
Xem tới xem lui cái quyết định do ông chủ tịch kiêm trưởng ban chỉ đạo VFF ký mà chẳng thể hiểu nổi lý do ra đời của nó. Phải chăng, từ khi giao cho VPF điều hành các giải đấu, các bộ phận VFF sợ quên việc hay sao mà phải cố “nặn” cho ra 2 ban nói trên để “luyện tay nghề”. Một trận giao hữu rất bình thường chẳng hiểu sao lại trở nên “vô cùng quan trọng” đến mức phải thành lập đến 2 ban kể trên bao gồm toàn bộ nhân vật chủ chốt nhất của VFF. Vì thế, có người suy diễn rằng thành lập như thế thì mới ký tên, lãnh tiền được.
Hãy xem Malaysia và cả Indonesia vừa qua đều đưa 2 trận giao hữu về các địa phương chứ chẳng tổ chức ngay tại thủ đô như Việt Nam ta. Họ nhìn các trận đấu dưới góc độ bình thường còn chúng ta lại “hoành tráng hóa” một cách không cần thiết.
Nhìn rộng hơn, đây là thói quen “chết người” của bóng đá Việt Nam và đã từng làm tổn hại đến thành tích của đội tuyển. Như đã biết, từ trước đến nay, cứ mỗi lần lên kế hoạch chuẩn bị cho đội tuyển quốc gia hoặc U-23, thế nào VFF cũng sẽ tìm cách tạo ra các giải đấu có tiền thưởng. Nhiều HLV nước ngoài đã phản đối cách làm này vì dù là “đá chơi” nhưng lại “thắng thật”, vô tình gây sức ép phải tung hết bài ra đá để lấy giải. Sau thất bại tại SEA Games 26 với một phần nguyên nhân đến từ các trận đá giải VFF Cup trước đó, chính Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng cho biết sẽ không tổ chức các giải đấu nữa. Không tổ chức giải nên nghĩ ra chuyện thành lập 2 ban nói trên chăng?
Việt Quang