Điều mà người viết muốn đề cập ở đây không phải chuyện cầu thủ nội và cầu thủ ngoại trong làng bóng Việt Nam, mà chính là câu chuyện giữa ông huấn luyện viên trưởng đội tuyển và các vị “tướng cầm quân” người Việt Nam ở cấp câu lạc bộ. Mối quan hệ song phương này vô cùng quan trọng, vì nó quyết định hơn 50% chất lượng đội tuyển.
Thông thường, HLV câu lạc bộ là người phát hiện, đào tạo, nâng chất lượng các tài năng bóng đá phục vụ trực tiếp cho đội bóng của mình. Sau đó, nếu được tuyển chọn, các tài năng này mới có điều kiện phục vụ quốc gia, tức tham gia đội tuyển.
Huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia kể từ sau SEA Games 1993 đều là người nước ngoài, hay nói cho gọn là HLV ngoại (một vài thời điểm giao tạm thời cho HLV trong nước như hồi ông Nguyễn Thành Vinh nắm đội Olympic đi dự Asian Games 2002). Công việc của ông ta là gì? Tìm kiếm tài năng nơi các CLB và mang về mài dũa thêm đôi chút (chỉ chút ít thôi), rồi bằng sự khéo léo, năng lực của mình mà kết hợp họ lại trong một tập thể nhiều tài năng lớn, nhỏ để cho ra một ê kíp mạnh, tức đội tuyển quốc gia.
Song, hiện tại có một nghịch lý mà hầu hết các HLV ngoại làm việc tại đội tuyển đang vấp phải là gần như phải uốn nắn từ đầu nhiều “tài năng” bóng đá lên đội tuyển, thậm chí dạy cho họ lại kỹ năng chuyền bóng, sút bóng và cả … chặn bóng.
Việc huấn luyện thể lực tại đội tuyển chủ yếu là điều chỉnh và tăng cường, để lựa chọn điểm rơi thích hợp về phong độ, nhưng nhiều khi ông thầy ngoại phải kiêm luôn việc “rèn thể lực”, vì học trò giỏi từ cấp CLB đưa lên lại quá yếu “pin”. Câu hỏi vì sao lại có tình trạng này? Câu trả lời nằm nơi các ông thầy ở cấp CLB. Hoặc họ quá kém trong huấn luyện, hoặc họ không thích làm.
Tại các nước có nền bóng đá tiên tiến, HLV trưởng đội tuyển và HLV cấp CLB là “cặp bài trùng”, họ trao đổi giáo án huấn luyện với nhau, cùng nhau điều chỉnh bài tập cho tuyển thủ quốc gia của mình. Đôi khi mối quan hệ này gặp trục trặc, lập tức chất lượng đội tuyển giảm sút ngay. Tại Việt Nam, không thể bỏ qua chuyện “bất hợp tác”, hoặc “bằng mặt mà không bằng lòng” của thầy nội với thầy ngoại đã xuất hiện từ lâu.
Một vấn đề khác là sự can thiệp quá nhiều của giới truyền thông vào công việc của ông thầy ngoại, chẳng hạn “ý kiến” về tuyển chọn cầu thủ này, loại bỏ cầu thủ nọ, hay sử dụng đội hình này hoặc không xài đấu pháp kia.
Còn nhớ, ông Weigang từng có lúc “thuê” riêng một trợ lý về báo chí chuyên làm công việc dịch báo, rồi thông tin nóng lại cho ông ta. Họ phải mất nhiều thời gian vào việc này thì lấy đâu thời gian, tâm trí để làm các công việc chuyên môn khác. Đó là chưa tính đến những cú “thọc gậy bánh xe” của thầy nội, thông qua kênh báo chí để phá đám thầy ngoại là chuyện đã từng xảy ra.
Một đội tuyển quốc gia mạnh không chỉ là một tập hợp các cầu thủ ngôi sao, cộng với ông thầy ngoại thật giỏi, mà còn là sự ủng hộ, góp sức của toàn xã hội, trong đó có giới truyền thông và các HLV nội.
LINH GIAO
* Danh sách đội tuyển đăng ký dự Asian Games 2006 |