
Với việc giữ cho giá vé ở mức “bình dân” và phương thức quản lý tài chính lành mạnh, Bundesliga đang tạo ra một hình ảnh đối lập và trở thành đối trọng của Premier League.
Người hâm mộ là nhất
Ở Đức, người hâm mộ là những ông hoàng. Bundesliga là giải đấu có giá vé thấp nhất nhưng lượng khán giả trung bình cao nhất trong số 5 giải quốc gia lớn nhất châu Âu. Khán đài của Borussia Dortmund có sức chứa 26.000 chỗ và các trận đấu của họ thường kín chỗ vì người hâm mộ chỉ tốn khoảng hơn 10 bảng để mua vé. Các CLB đều hạn chế bán vé mùa để mọi người đều có cơ hội đến xem, và mỗi đội khách đều có 10% số ghế cho CĐV của mình.
Nếu chịu chi gấp đôi giá vé bình thường, người hâm mộ sẽ là những “thượng đế” thực sự trên khán đài, nơi họ có thể ăn uống và ca hát, chưa kể ưu đãi về chi phí đi lại. Đây quả thực là những điều mà các CĐV Anh chỉ có thể mơ ước.
Bundesliga có lẽ là giải vô địch có mô hình hoạt động hợp lý nhất châu Âu khi họ là giải đấu duy nhất mà mọi đội bóng tham gia đều có lợi nhuận dù không CLB Đức nào giành được Champions League trong gần 1 thập kỷ qua (lần gần nhất Bayern vô địch vào năm 2001).

Các khán đài Bundesliga luôn chật khán giả.
“Với tư cách là một thương hiệu và là một giải đấu, Bundesliga đang hoạt động rất tốt. Chúng tôi có một sân chơi vô cùng thú vị nơi các đội bóng đua tranh và đọ sức trên một mô hình kinh doanh bền vững và hợp lý dựa trên ba nguồn thu nhập chính”, Giám đốc điều hành của Bundesliga, Christian Seifert, trả lời phỏng vấn tờ Observer Sport.
Và bộ tam lợi đồng quy đó là tiền vé (424 triệu euro), hợp đồng tài trợ (573 triệu) và bản quyền truyền hình (594 triệu). Đó là những phần chính trong tổng doanh thu 1,7 tỷ euro của giải.
Miễn nhiễm với khủng hoảng kinh tế
Chỉ cần nhìn sơ qua các giải lớn khác cũng có thể khẳng định thực trạng của môn thể thao vua tại châu lục này. Ở Anh, Porsmouth đang bên bờ hủy diệt, Man.United và Liverpool đang sở hữu những khối nợ đồ sộ. Ở Tây Ban Nha, cầu thủ chuẩn bị đình công theo lời lêu gọi của Hiệp hội các cầu thủ Tây Ban Nha (AFE) để phản ứng việc trả lương không đúng hạn của một số CLB. Các khán đài ở Italia lúc nào cũng có số khán giả chỉ bằng phân nửa sức chứa; và các CLB Pháp thì dành phần lớn thu nhập của mình (71%) để trả lương cầu thủ, nhiều hơn các CLB ở bất cứ quốc gia nào khác.
Các chỉ số kết toán của hãng kiểm toán toàn cầu Deloitte mùa giải 2007 - 2008 đã chỉ ra rằng, tất cả CLB Premier League chỉ trừ Aston Villa đều dính phải nợ nần. Còn ở Bundesliga mùa rồi, người ta cũng báo cáo, với một giọng điệu thất vọng tràn trề rằng... “chỉ 11 trong số 18 CLB là kinh doanh có lời”.
Seifert nói rằng thành công của Bundesliga là nhờ họ biết trận trọng “giá trị cốt lõi” khi các CĐV luôn là ưu tiên hàng đầu. Đó là lí do vì sao giá vé luôn được giữ ở mức thấp. “Các CLB không đòi hỏi thêm tiền. Tăng giá không nằm trong văn hóa kinh doanh của họ. Họ luôn hướng về phía CĐV. Thu nhập dựa trên bán vé của Bundesliga mỗi mùa đều thấp hơn Premier League 350 triệu euro. Dù thế, không thể ngày một ngày hai đòi tăng giá lên gấp 3 được”.
“Hoàn cảnh của chúng tôi rất thú vị. Thứ nhất, giá vé rẻ. Thứ nhì, các CLB cố gắng hạn chế bán vé mùa. Ví dụ như Borussia Dortmund, Schalke 04, Hamburg, Bayern Munich; họ cố gắng cho CĐV nhiều cơ hội được xem bóng đá trực tiếp hơn. Nếu cơ hội được xem của bạn là 80% hay 100% thì đó cũng chính là phần trăm số lượng người hiện diện trên khán đài”, Seifert phân tích.
HOA VINH (còn tiếp)