Xung quanh việc “một ông bầu sở hữu nhiều đội bóng”

Các doanh nhân không có lỗi

Khi họ được phép làm
Các doanh nhân không có lỗi

Tuần trước, có cặp đấu SHB Đà Nẵng – Hà Nội T&T (HN T&T). Hôm nay, ở giải hạng nhất sẽ có trận đấu giữa Xuân Thành Sài Gòn và Bảo hiểm Thái Sơn Quảng Nam (GMIC QN). Đây là 2 cặp đấu mà dân bóng đá gọi là “chuyện trong nhà” giữa những đội bóng có cùng một ông bầu. Tất nhiên, nếu đấy là sự thật thì không thể chấp nhận được. Nhưng…

“Bầu Hiển” ăn mừng Cúp quốc gia cùng HLV Lê Huỳnh Đức của SHB Đà Nẵng.

“Bầu Hiển” ăn mừng Cúp quốc gia cùng HLV Lê Huỳnh Đức của SHB Đà Nẵng.

Khi họ được phép làm

Không thể phủ nhận việc ông Đỗ Quang Hiển có ảnh hưởng trực tiếp đến 2 đội SHB Đà Nẵng và HN T&T, thế nhưng để chứng minh ông là “ông chủ” thì lại không thể. Cũng không thể phủ nhận việc có trong tay 2 đội bóng đá giúp cho bầu Hiển 2 năm liên tiếp vui sướng với 2 chức vô địch quốc gia chia đều cho 2 đội. Sự xuất hiện đặc biệt của ông ở các thời điểm trao cúp đã nói lên tất cả. Dân trong giới bóng đá biết rất rõ lợi thế “2 trong 1” này nhưng không thể làm gì khác. Mô hình này, đang được bầu Thụy của Xuân Thành thực hiện với 2 đội bóng ở hạng nhất. Trong khi đó, bầu Hiển không giấu ý đồ có thêm ít nhất là 2 đội bóng nữa và khả năng một thời điểm nào đó, ông có 4 đội bóng đá V-League hoàn toàn có thể xảy ra, trừ khi ông chán bóng đá.

Khi đầu tư vào bóng đá là cách làm thương hiệu nhanh nhất thì càng quản lý nhiều thương hiệu, càng có thể lập ra nhiều đội bóng nếu làm đúng luật. Trong trường hợp của ông Đỗ Quang Hiển, thật khó tìm ra bằng chứng ông là chủ của 2 đội bóng đang đá V-League.

Cụ thể: đội SHB Đà Nẵng do Công ty Thể thao SHB Đà Nẵng quản lý. Công ty này hoạt động độc lập còn đội bóng thì nhận được sự tài trợ của Ngân hàng SHB. Cho dù công ty có sự góp vốn của SHB thì cũng chẳng liên quan gì đến ông Hiển, đại diện cho T&T Group (một cổ đông lớn trong số hơn 3.000 cổ đông), làm chủ tịch HĐQT của ngân hàng này, vì hoạt động đầu tư, kinh doanh là do tổng giám đốc quyết định. Hơn nữa, dù là chủ tịch HĐQT của ngân hàng cũng không có nghĩa là ông chủ ngân hàng ấy. Nói cho rõ hơn: nếu T&T Group của ông Hiển không có cổ phần nào ở Công ty Thể thao SHB Đà Nẵng thì cũng đồng nghĩa 2 đội bóng HN T&T và SHB Đà Nẵng chẳng liên quan gì đến nhau. Việc ông Hiển làm “bầu” của 2 đội chỉ là danh nghĩa, là một cách xưng hô.

Thế nhưng, trường hợp của ông Nguyễn Đức Thụy và 2 đội bóng Xuân Thành Sài Gòn, GMIC QN thì lại rõ ràng hơn rất nhiều. Ông này là chủ tịch HĐQT của 2 công ty đang quản lý trực tiếp của 2 đội bóng. 2 công ty này là thành viên chính thức của Xuân Thành Group mà ông Thụy là chủ tịch. Bản thân ông bầu này trực tiếp thể hiện quyền làm chủ ở các lễ tiếp nhận và giới thiệu đội bóng. Tuy nhiên, cũng có một chút khác biệt là với đội bóng Quảng Nam thì đây chỉ mới là hình thức chuyển giao quyền quản lý CLB trong 3 năm cho GMIC QN chứ không trực thuộc

Tóm lại, việc một ông bầu đang và sẽ tác động trực tiếp đến các CLB thi đấu cùng một hạng là chuyện rất thực tế. Họ làm được điều đó vì không ai ngăn cản cả.

Lỗi ở những nhà điều hành

Dù là thế nào đi nữa, bất cứ ai am hiểu về bóng đá đều biết mối quan hệ giữa các đội bóng là sâu đậm và chắc chắn, dù do hoàn cảnh hay cố ý thì những kết quả thi đấu giữa họ là không thể bình thường được. Một trong những hình thức  tiêu cực của bóng đá đó là sự thỏa thuận, liên minh về kết quả thi đấu giữa các đội bóng. Chính vì thế mà các tổ chức như FIFA, UEFA rất nghiêm khắc trong việc này. Chỉ cần phát hiện có chút manh mối, họ sẽ vào cuộc điều tra chứ chẳng cần đến những bức ảnh, dòng tin thể hiện rất rõ quyền làm chủ của bầu Thụy hay bầu Hiển.

Thế nhưng, các ông bầu không có lỗi. Hay nói đúng hơn, đầu tư vào bóng đá, đánh bóng thương hiệu thông qua bóng đá là một điều cần ủng hộ, miễn sao đúng luật pháp. Không có những ông bầu thích bóng đá, chọn bóng đá để quảng bá thương hiệu thì khó mà phát triển bóng đá chuyên nghiệp bởi lẽ, kinh doanh bóng đá chỉ từ lỗ, đến lỗ. Trên cơ sở đó, thật khó để nói rằng các doanh nhân trên đã góp vốn vào việc kinh doanh này.

Mấu chốt vấn đề chính là khả năng điều hành, những quy định, các chế tài của VFF, tổ chức đang điều hành nền bóng đá. Thật ra, bằng nghiệp vụ hoặc có hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước, VFF vẫn có thể soạn thảo các quy định chặc chẽ hơn, chi tiết hơn để giảm bớt rủi ro tiêu cực. Hoặc VFF sử dụng các các công cụ khác mang tính đặc thù của bóng đá như giám sát trận đấu, băng ghi hình… để đánh giá tính chất tích cực hay không ở các trận đấu.

Nhưng, có một yếu tố cực kỳ quan trọng, lại chẳng cần bất kỳ văn bản cụ thể nào cũng có thể làm những ông bầu phải đắn đo trong việc can thiệp: đó chính là khán giả. Mỗi đội bóng nếu có lượng khán giả của riêng mình thì họ sẽ phải đá vì người hâm mộ. Còn CĐV thì đã yêu mến đội này thì khó lòng yêu thêm một đội khác. Chính tình yêu đó là rào cản lớn nhất để ngăn ngừa tiêu cực. Chắc chắn không có CĐV Đà Nẵng nào đồng ý cho việc bầu Hiển “yêu cầu” SHB Đà Nẵng phải thua HN T&T và ngược lại.

Khi bóng đá có khán giả, chính các ông bầu cũng phải lệ thuộc vì chiếm được trái tim người hâm mộ là mục đích lớn nhất khi họ đầu tư vào bóng đá. Thế nhưng, làm thế nào để đạt được điều tuyệt vời ấy lại là câu hỏi dành cho VFF. Nếu việc điều hành của họ đang làm cho khán giả quay lưng với bóng đá thì cũng không thể trách các ông bầu tại sao lại muốn có trong tay nhiều đội bóng để mưu cầu thành tích.

Bóng đá chỉ thật sự “sống” khi có nhiều khán giả.

Hiện bầu Hiển “có liên quan” đến đội Hà Nội đang chơi ở giải hạng nhất. Cách đây 2 năm, công ty thành viên của Ngân hàng SHB là SHS cũng đã suýt nữa mua lại đội Tiền Giang và Quảng Nam. Công ty T&T Land cũng đã gần đạt thỏa thuận với đội Huế. Trong khi đó, bầu Thụy của Xuân Thành hiện vẫn còn “nuôi” đội Xuân Thành Hà Tĩnh chơi ở hạng nhì. Tập đoàn Becamex thì  đang có trong tay đội Becamex Bình Dương và TDC Bình Dương. Bầu Thắng của Gạch Đồng Tâm có đội ĐT.LA và Ngói Đồng Tâm. Giữa 2 đội Navibank Sài Gòn và SQC Bình Định cũng được xem là “anh em” trong cùng một “nhà” Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn do ông Đặng Thành Tâm làm chủ tịch.

Tuy nhiên, do các đội trên không cùng hạng và bản thân các CLB đang đá V-League đều  được quyền có các đội đá các hạng dưới cũng như tuyến U nên đây là điều hợp lệ.

Việt Tâm

Tin cùng chuyên mục