Ban đầu, TPHCM sẽ xin đăng cai SEA Games 2017 hoặc 2019 trước khi Việt Nam tính chuyện đăng cai Asiad nhằm bảo đảm thời gian tích lũy kinh nghiệm và nhân lực. Nhưng khi thời cơ đến sớm, Asiad 2019 đã về đến Việt Nam khiến giới thể thao thấy lo nhiều hơn vui. Ngay chính “linh hồn” của chiến dịch vận động này, Phó chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam, ông Hoàng Vĩnh Giang cũng phải thừa nhận không còn đủ thời gian để tiến hành các chương trình mục tiêu mà chúng ta vẫn hay gọi là “nuôi gà chọi” nữa.
Vì thế mà mục tiêu đạt 7-10 HCV sau 6 năm nữa được giới thể thao đánh giá là khó thực hiện dù những người viết đề án đăng cai thậm chí còn khẳng định sẽ đạt được nhiều hơn thế. Thực tế cho thấy, các mục tiêu huy chương của thể thao Việt Nam ở các kỳ đại hội lớn đều tiến hành theo kiểu “đếm cua trong lỗ”, dựa trên năng lực của mình chứ không so sánh tương quan lực lượng vối các đối thủ. Tiêu biểu là thất bại tại Asiad 2010 và Olympic 2012 gần đây khi kết quả kém quá xa so với chỉ tiêu.
Chính những người trong cuộc, tức các VĐV và HLV đều thừa nhận năng lực chúng ta không kém nhưng cơ sở vật chất, điều kiện tập luyện và nhất là kinh nghiệm quốc tế thì luôn đi sau thế giới. Nếu không chuẩn bị sớm và thay đổi cách đầu tư thì vẫn sẽ tái diễn tình trạng mục tiêu một đằng thực tế một nẻo. Hơn nữa, thể thao Việt Nam chỉ còn 6 năm để chuẩn bị trong khi để có thêm 1 HCV tại Asiad có những môn chúng ta phải mất đến 20 năm hội nhập.
HAI SÀI GÒN