Bóng bàn Việt Nam: Ưu tư hai chữ chuyên nghiệp!

Liên tiếp những vụ chuyển nhượng diễn ra thời gian này khiến nhiều đơn vị chạy ngược xuôi tìm cách giữ chân VĐV. Trong sự phát triển của thể thao, dường như bóng bàn bị tụt lại trên con đường chuyên nghiệp hóa, không giống những gì mà bóng đá hay bóng chuyền đang làm được…
Bóng bàn Việt Nam: Ưu tư hai chữ chuyên nghiệp!

Liên tiếp những vụ chuyển nhượng diễn ra thời gian này khiến nhiều đơn vị chạy ngược xuôi tìm cách giữ chân VĐV. Trong sự phát triển của thể thao, dường như bóng bàn bị tụt lại trên con đường chuyên nghiệp hóa, không giống những gì mà bóng đá hay bóng chuyền đang làm được…

  • DỐC TIỀN... “MUA” QUÂN

Cơ hội đã có thể mang về Trần Tuấn Quỳnh và Phan Huy Hoàng mười mươi, nhưng rốt cuộc lại để 2 tay vợt Hà Nội khoác áo CLB Hà Nội T&T vào phút chót đã khiến lãnh đạo CLB Tập đoàn Dầu khí lao vào cuộc tìm người mới. Tín hiệu khả quan sớm đến, Tô Đức Hoàng và Đào Duy Hoàng vừa được Tập đoàn Dầu khí kịp thời đưa về đầu quân từ đơn vị cũ Bộ Công an. “Lúc này có thể khẳng định Đức Hoàng, Duy Hoàng đã thuộc về chúng tôi. Nhưng số tiền chuyển nhượng là chuyện “tế nhị” chưa thể tiết lộ. Hai tay vợt đã ký hợp đồng lao động với đội bóng”, Giám đốc Trung tâm TDTT Dầu khí Tô Phú Phong cho biết.

Mang về Đức Hoàng, Duy Hoàng là hướng phát triển lâu dài khi các đàn anh Đoàn Kiến Quốc và Hồ Ngọc Thuận cũng đã có tuổi. Tuy nhiên, chuyện không chỉ đơn giản ở việc đưa Đức Hoàng và Duy Hoàng về, bởi chiến lược tìm nguồn nhân lực trẻ để đào tạo vẫn chưa khả thi, nên đội bóng ngành dầu khí sẽ tìm lối đi mới.

Giới chuyên môn bóng bàn miền Bắc tin rằng TĐDK đang tìm thỏa thuận để mua lại hết dàn cầu thủ trẻ nam có, nữ có đang khoác áo Bộ Công an lúc này. Và như thế, tiếng là “ngắt ngọn” nhưng bù lại, TĐDK có lực lượng khá hùng hậu chuẩn bị cho tương lai mà chẳng mất công đào tạo.

Tuy nhiên, ý định trên vẫn nằm trên giấy tờ và tương lai không xa, đích nhắm của họ là đưa về Nguyễn Thị Việt Linh - một trong những tay vợt nữ có chất lượng chuyên môn tốt nhất hiện tại. Quả thật, dù là người thuộc biên chế độ bóng Bộ Công an, nhưng từ lâu các tay vợt Đức Hoàng, Duy Hoàng hay Việt Linh, Mai Hương, Phan Hoàng Tường Giang… đều tập luyện ở Đại học TDTT Từ Sơn cùng tuyển trẻ Việt Nam, nên đều được trang bị kỹ thuật cơ bản rất tốt.

Ngoài ra, sau một thời gian tập nhờ ở Trung tâm HLTTQG Hà Nội (Nhổn), vào lúc này HLV Nguyễn Phúc cùng các học trò của CLB TĐDK đã thuê được phòng tập của Đại học TDTT Từ Sơn (Bắc Ninh) tập luyện lâu dài. Đó cũng là một công đôi việc để vừa tập luyện vừa thêm cơ hội nhắm những tay vợt có khả năng chèo kéo về.

Tay vợt nữ Nguyễn Thị Việt Linh của Bộ Công an đang trong tầm ngắm của CLB TĐDK giàu tham vọng. Ảnh: Nguyễn Nhân

Tay vợt nữ Nguyễn Thị Việt Linh của Bộ Công an đang trong tầm ngắm của CLB TĐDK giàu tham vọng. Ảnh: Nguyễn Nhân

  • CẦN MỘT QUY CHẾ CHUYỂN NHƯỢNG

Đem câu hỏi rằng tới lúc này Liên đoàn bóng bàn Việt Nam đã có Quy chế chuyển nhượng nào chưa? Tổng thư ký Phạm Đức Thành cho biết: “Liên đoàn hiện chưa ban hành Quy chế chuyển nhượng. Việc các VĐV đầu quân cho những đơn vị mới trong thời gian gần đây như Hà Nội T&T hay Tập đoàn Dầu khí đều là do sự thỏa thuận giữa các CLB chủ quản”. Còn với thắc mắc liệu có xảy ra những vụ tranh chấp VĐV trong trường hợp CLB nào đó “đi đêm”, để rồi dẫn đến không tìm được tiếng nói chung, thì ông Thành cũng xác nhận: “Hiện giờ chưa có điều ấy nhưng chắc chắn, chuyện đi-ở của VĐV là sự thỏa thuận hợp lý giữa đôi bên”.

Đó mới chỉ là ý kiến chủ quan một phía từ lãnh đạo Liên đoàn, bởi họ đã có rất nhiều ví dụ tham khảo qua nhiều trường hợp đã, đang diễn ra, chính là những vụ tranh chấp VĐV giữa các CLB của bóng chuyền hay bóng đá, dù rằng cả 2 Liên đoàn trên đều có Quy chế chuyển nhượng riêng.

Nếu trong bóng bàn cũng xảy ra một trường hợp tranh chấp VĐV, thử hỏi Liên đoàn sẽ chiếu theo điều lệ, quy định nào để giải quyết?

Thắc mắc về quy chế chuyển nhượng từng được đề cập từ năm ngoái khi CLB Tập đoàn Dầu khí chiêu mộ ngoại binh dự giải Cây vợt vàng 2010. Tuy nhiên, chuyện… Quy chế chuyển nhượng vẫn chưa được giải quyết và chính Tổng thư ký Phạm Đức Thành phải hứa: “Có thể vấn đề này sẽ được đề cập ở Đại hội Liên đoàn vào tháng 4 tới đây”.

Trong lúc đó, đã có nhiều đơn vị bắt đầu lên tiếng cần Quy chế chuyển nhượng cụ thể ra đời, tránh tình trạng bị “chảy máu” VĐV tài năng khi cuộc chơi của bóng bàn Việt Nam đang chuyên nghiệp hóa

NGUYỄN ĐÌNH

Tin cùng chuyên mục