Mê bóng đá từ năm 4 tuổi, tích lũy thể lực từ những chặng leo đồi làm lagim
Tại sao Bơnahria Vĩ (hay còn gọi là Vĩ 49, vì quê Vĩ ở Lâm Đồng và 49 cũng là biển số xe của tỉnh Lâm Đồng) lại có tốc độ kinh hoàng và một nguồn thể lực dồi dào đến như vậy? Để hiểu được điều đó, phải đi ngược về quá khứ, thời Vĩ còn là một cậu nhóc nhỏ xíu nhưng đam mê đá bóng. Từ lớp 4, Vĩ đã có cơ hội chơi đùa với quả bóng tròn và cậu thích mê mệt. Nhà lại gần sân bóng của thôn, rất dễ dàng chơi môn thể thao Vua. Nhưng thời đó làm gì có giày, cứ chân đất mà phang, mà sút mà dốc bóng…
Lớn dần, khao khát có được một đôi giày ba ta thôi, cũng khiến Vĩ thao thức cả đêm. “Ước mơ của tôi hồi đó rất đơn giản, được xỏ đôi giày ba ta để bước ra sân bóng và cứ thế mà chiến. Ở cái tuổi của tôi hồi đó, mấy đứa nhóc quanh thôn, nếu được ba mẹ mua cho đôi giày ba ta, có thể sẽ ôm nó mà ngủ suốt đêm, mơ về một quả bóng tròn, mơ về hình ảnh mình mang giày và sút bóng để tung hoành trên sân đấu, một giấc mơ tròn vành vạnh và sáng tươi thời tuổi thơ!”, Vĩ bồi hồi nhớ lại và tâm sự.
“Nhưng lúc nhỏ thì kiếm đâu ra tiền. Chỉ đành chờ xin mẹ. Nhà tôi ở thôn Mơ Răng, xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng). Nhà thuần nông. Mẹ cũng chỉ hứa: “Thôi ráng đi phụ mẹ leo đồi, ra đồng, rồi sau đó mẹ sẽ mua giày ba ta cho, tha hồ mà đá bóng, mà chạy nhảy”. Tôi cũng ráng làm, phụ mẹ ở ngoài đồng, đi làm lagim (trồng các loại rau màu như bầu, bí, mướp, khổ qua… để mang bán), kéo dây, bưng vác. Làm hoài, làm hoài, mà không thấy giày đâu. Cuối cùng, lâu lắm mới được thưởng đôi giày mơ ước”.
Sân banh ở trong thôn tuy đơn sơ, nhưng lại rất gần nhà. Chiều chiều, Vĩ và các cậu bạn ra đó, chia làm 2, tha hồ tung hoành. Thể lực thì chẳng lo, vì cứ làm lagim, rồi leo đồi phụ mẹ, phụ ông ngoại bưng vác, đã giúp Vĩ ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, tu bổ một cơ thể săn chắc, dẻo dai và một nguồn nội lực kinh người. Để đến giờ đây, nó chính là thế mạnh của Vĩ trong các pha đua tốc độ, dốc bóng, càn lướt. Làn da ngăm đen, tốc độ như cơn lốc, chàng trai người K’Ho theo họ mẹ (phong tục của người K’Ho chế độ mẫu hệ) dần trở thành “một cơn lốc đen” của làng phủi Sài thành.
Không hiểu sao vào CK Standard Chartered 2015, không hiểu sao đứt dây chằng vẫn đá banh lại được!
Với lối nói chuyện đơn sơ chân chất và thật thà, Vĩ dẫn dắt tôi trải nghiệm cuộc đời đá phủi đầy màu sắc của anh, với những điều "bí ẩn" mà đến giờ, chính Vĩ cũng không thể lý giải: “Tôi lên Sài Gòn học vào năm 2013, Khoa Giáo dục thể chất của Trường Đại học Thể dục Thể thao TPHCM. Đến với một đô thị lớn, đam mê bóng đá của tôi như được rời con suối nhỏ trên rừng núi, bơi vào vùng sông nước bao la. Do không có xe máy, tôi đi đá ké với các anh em chung lớp, chung trường. Chỉ là những sân đấu gần phòng trọ, gần trường, nhưng chúng tôi cũng phải góp nhau từng 20 ngàn để thỏa niềm đam mê đá bóng”.
“Đến năm 2014, trải nghiệm đá phủi Sài Gòn của tôi bước sang trang mới. Tôi bắt đầu quen các anh em ở quê lên TPHCM làm việc và học tập. Tôi gia nhập đội đồng hương Đa Nhim, sau đó tham gia giải Quế Sơn và giành luôn danh hiệu Vua phá lưới. Tới bây giờ, tôi vẫn chưa hiểu tại sao mình lại thích nghi nhanh đến như vậy. Sau đó, các anh em Quảng Ngãi thấy tôi đá tốt, rủ tôi đi đá giải đồng hương cho đội Sa Huỳnh quán, ở giải đó, tôi lại thắng giải Vua phá lưới nữa”, Vĩ cười rất tươi, kể những trải nghiệm đầu tiên.
“Đến năm 2015, có một giải đấu rất lớn là Standard Chartered 2015, mà nhà vô địch giành vé sang giao hưu với Liverpool bên nước Anh. Tôi có người anh đồng hương rất đam mê, rủ chúng tôi cùng lập đội những anh em đến từ Lâm Đồng, toàn là người đồng bào, đi đá giao lưu ở giải này. Tụi tôi nhận lời luôn vì quá đam mê. Khi đó, đội vừa đúng 5 người đá và một thủ môn, trong khi các đội khác đông cả chục người. Nhưng chúng tôi mơ về nước Anh, cũng đã nghĩ đến cả việc về quê bán đất để được đi gặp Steven Gerrard, nên bất chấp mà đá. Rồi không hiểu sao, chúng tôi thắng như chẻ tre, lọt đến tận trận đấu chung kết. Ở đây, chúng tôi thậm chí còn thắng trước 2 bàn, nhưng cuối cùng đối thủ bài bản hơn đã ngược dòng gỡ hòa, và đánh bại chúng tôi ở loạt penalty. Quá buồn”, Vĩ nhớ lại.
Chứng kiến sự trường thành quá nhanh của Vĩ, nhiều anh em có quan hệ muốn giới thiệu anh chơi bóng chuyên nghiệp, không đá sân 11 thì chơi futsal. Vĩ 49 đã định nhận lời. Tuy vậy, một biến cố đã khiến anh giã biệt giấc mơ chơi bóng đá chuyên nghiệp mãi mãi, nhưng lại cũng trở thành một bí ẩn không có lời giải đến tận ngày hôm nay: “Khi đó, tôi tham gia một giải đồng hương ở sân Trường Hải, đá với đội Phú Hòa. Tôi chấn thương khá nặng trong trận đấu. Đi khám bác sĩ, người ta nói tôi đứng giây chằng đầu gối. Do nhà không có nhiều tiền, cũng không rành các liệu pháp chữa trị, mổ xẻ, tôi chỉ trị liệu theo những cách truyền thống như bó thuốc, rồi đi khẩn xin các Đức mẹ La Vang, Đức mẹ Tà Pao. Không hiểu thế nào, mà sau 1 năm, chấn thương tôi đã lành, và tôi có thể chơi bóng trở lại”.
Mối lương duyên với Quốc An - Quốc Michel, với bầu Lê, với HLV Bảo Chúng
“Sau này đi đá phủi, giao lưu nhiều, tôi đã nghe đến cái tên Quốc An - Quốc Michel từ khá lâu. Trong một lần tình cờ, bạn tôi rủ lên hỗ trợ Quốc An - Quốc Michel sân 11. Đó là trận đấu giữa Quốc An - Quốc Michel với đội Anh Em Phủi Sài Gòn của anh Bảo Chúng (lúc đó Bảo Chúng vẫn chưa về với bầu Lê). Không nhớ là tứ kết hay bán kết gì đó, nhưng tôi đã giúp Quốc An - Quốc Michel giành chiến thắng. Từ đó trở đi, tôi trở thành một phần của Quốc An - Quốc Michel”, Vĩ kể về mối lương duyên hơn 2 năm tuổi với Quốc An - Quốc Michel.
“Ban đầu, đó là sân chơi để thỏa đam mê, đổ mồ hôi. Nhưng lâu dần, bầu Lê (bầu Quốc Michel) suy nghĩ về một hướng đi mới, muốn phát triển Quốc An - Quốc Michel theo hướng chơi bóng không chỉ đơn thuần vì đam mê, mà còn là thi đấu để khẳng định đẳng cấp. Đội đã phát triển chóng mặt sau bước ngoặt đó, nhiều anh em cũ ra đi, dù cũng đá rất tốt, nhiều anh em mới đến, cùng chung sức để thỏa khát khao của bầu”, Vĩ tiết lộ.
“Hồi xưa Quốc An - Quốc Michel đá vì đam mê. Nhưng giờ đây, đá vì thành tích, vì danh hiệu, cái trình sẽ cao hơn, phải đòi hỏi những con người tốt hơn, phù hợp hơn, tôi nghĩ đó cũng là điều bình thường. Nhưng riêng bản thân tôi, 2 năm trước cũng vậy, 2 năm sau cũng vậy, tôi đã ra sân chơi là chơi hết mình, không có bị áp lực. Cứ thả tôi vô sân, tôi giống như là cá bơi về vùng sống nước bao la. Với tôi, Quốc An - Quốc Michel trước kia hay ngày nay cũng vẫn là một đội như cũ mà thôi, chỉ là đã được nâng cao tầm vóc”.
Khi được hỏi về bầu Lê, về HLV Bảo Chúng, Vĩ cảm khái: “Bầu Lê tính tình rất nhẹ nhàng. Ban đầu tiền xúc với bầu, thấy bầu rất ít nói, có phần e ngại tiếp xúc. Nhưng sống lâu ngày thì mới hiểu, bầu là người sống rất tình cảm, thương mến anh em. Cũng một phần nhờ tính của bầu, mà tôi không bị áp lực khi bước vào các cuộc cạnh tranh vị trí đầy khắc nghiệt. Về phần anh Bảo Chúng, anh ấy là một người có tâm, có tầm, có máu chiến đấu và khát khao chiến thắng rất cao. Chỉ có như vậy mới có thể giúp anh em ở trong trạng thái cống hiến hết mình mỗi khi bước ra sân đấu, chơi bóng với nhiệt huyết cao nhất”.
Nhớ mãi khoảnh khắc rơi nước mắt ở SPL - S2 và khát vọng được tham dự VPL - S2
Hôm thứ Bảy tuần trước, Quốc An - Quốc Michel bước vào trận đấu Vòng 2 của SPL - S3 với áp lực rất lớn. Do ở Vòng 1, đội bị đối thủ cầm chân 1-1, họ buộc phải thắng ở Vòng 2 để thắp sáng khát vọng đăng quang SPL - S3 năm nay, qua đó giành vé tham dự Vòng chung kết của VPL - S2 ở Hà Nội. Tuy vậy, thế trận giữa Quốc An - Quốc Michel và Hạt điều Thương Thương là không hề dễ dàng khi Quốc An - Quốc Michel liên tục tấn công dồn ép nhưng không thể mở điểm trong hiệp 1.
Trả lời câu hỏi: “Liệu đây có phải là khoảnh khắc sung sướng nhất của anh trong màu áo Quốc An - Quốc Michel hay là không?”, Vĩ có phần lúng túng: “Tôi cùng với các đồng đội, các anh em, đã trải qua quá nhiều niềm vui, quá nhiều chiến thắng, quá nhiều danh hiệu, nên tôi cũng không thể nhớ rõ đâu là khoảnh khắc sung sướng nhất của mình, khi chơi bóng cho bầu Lê. Hy vọng tôi sẽ nhớ lại điều đó và trả lời anh trong tương lai”.
Tuy vậy, khi được hỏi: “Anh khát khao tham dự VCK của VPL - S2 đến như thế nào”, gương mặt đậm chất đàn ông của Vĩ thoáng nhíu lại: “Được giành vé tham dự VCK của VPL, cho dù ở mùa giải nào, cũng luôn là khát khao của tôi, của đồng đội, làm được như vậy, là ước mơ của tôi. Ở mùa giải năm ngoái, tôi đã rất buồn khi đội không thể giành vé vào giờ chót, vì đánh mất ngôi vô địch. Sau khi lượt đấu cuối cùng kết thúc, tôi buồn đến không thể buồn hơn, thất thần ra ngồi ở một góc sân, và nước mắt cứ thế tuôn xuống”.
Hy vọng, với Vĩ 49, với Bơnahria Vỹ, với chàng trai người K’Ho chân chất, với “người con của núi rừng Tây Nguyên”, nỗi buồn này sẽ mãi xa tận chân trời, niềm vui từ Vòng 2 SPL - S3 sẽ mãi bùng cháy, để anh có cơ hội mang “cơn lốc đen trên sân phủi Sài Gòn”, ra “đá xứ người", "quê hương của làng bóng phủi tại Hà Nội”.