Bắt đầu cấp phép cho CLB chuyên nghiệp - Khó cũng phải làm

Rốt cục, dưới áp lực từ AFC và cũng do “hoàn cảnh đưa đẩy”, VFF và 28 CLB hiện nay của giải hạng nhất và V-League cũng đã ngồi lại với nhau để xem lại “tư cách” của mình, điều mà suốt hơn cả thập niên lên chuyên nghiệp vừa qua, cả làng cầu đều làm một cách chiếu lệ.

Rốt cục, dưới áp lực từ AFC và cũng do “hoàn cảnh đưa đẩy”, VFF và 28 CLB hiện nay của giải hạng nhất và V-League cũng đã ngồi lại với nhau để xem lại “tư cách” của mình, điều mà suốt hơn cả thập niên lên chuyên nghiệp vừa qua, cả làng cầu đều làm một cách chiếu lệ.

  • 90% các CLB là không chuyên nghiệp

Và sau khi xem xét các tiêu chí do AFC đề ra thì tất thảy đều “bật ngửa” vì bây giờ mà làm đúng, làm đủ thì vô cùng nan giải. Tiêu biểu như hệ thống đào tạo trẻ, phân nửa các CLB là không có. Nếu bây giờ áp dụng ngay, chắc chắn cũng chỉ là những giải pháp tình thế như kiểu liên kết đào tạo với những nơi khác để còn hội đủ điều kiện chứ xây dựng hẳn 4 tuyến trẻ theo yêu cầu thì phải mất 5-7 năm mới xong.

Hoặc như vấn đề minh bạch tài chính để một CLB là một doanh nghiệp thực thụ. Đa số các CLB hiện nay đều có cùng công thức: “chạy tiền” để thi đấu chứ chỉ có 10% số CLB là có khả năng tự kinh doanh đúng nghĩa doanh nghiệp. Nói cách khác, đa số nguồn tiền đến từ tài trợ nên khi các ông bầu hoặc nhà tài trợ cắt, giảm tiền thì gần như không còn đủ ngân sách vận hành thi đấu.

Thành ra, với thông tin một loạt doanh nghiệp rút lui khỏi bóng đá, có thể nói hiện tại ở V-League và hạng nhất, có đến 90% CLB không đáp ứng đủ yêu cầu chuyên nghiệp.

  • Thà một lần đau

Tại cuộc hội thảo, đa số đều tán thành với việc “thà một lần đau” để làm lại cho căn cơ, tức là “trả bóng đá về cho bóng đá”, kể cả trường hợp “còn bao nhiêu đội, đá bấy nhiêu”. Tuy nhiên, nhiều đại diện CLB cũng phản biện rằng suốt thời gian qua, họ thiếu sự hướng dẫn, định hướng từ VFF hoặc có nhưng khi thực hiện, gần như không có ai giám sát, không có chế tài cụ thể nên mạnh đội nào, đội đó “lách luật” mà chẳng thấy ai “tuýt còi” để bây giờ mọi chuyện trở nên vô cùng khó khăn để bắt đầu lại.

Cũng ý kiến từ các CLB cho biết, để đáp ứng các tiêu chí từ AFC ngay lập tức là gần như không thể bởi ngay thời điểm này, muốn để CLB tồn tại thôi đã nan giải lắm rồi. Dù biết là phải hạ mức đầu tư, tiết kiệm để duy trì nhưng có nhiều khoản chi không thể cắt giảm bởi làm thế thì lại không hội đủ điều kiện tham gia bóng đá chuyên nghiệp.

Ví dụ như tiền thuê sân bãi thi đấu, di chuyển, lương cố định và chuyển nhượng cầu thủ. Dù tiết kiệm đến cỡ nào thì các khoản nói trên vẫn không giảm được trong điều kiện vật giá hiện nay. Đơn cử như vấn đề sân thi đấu và trung tâm đào tạo. Nếu đúng quy định thì phải là hợp đồng sử dụng dài hạn nhưng tiền thì đang “chạy ăn từng bữa”, làm sao có thể ký dài hạn được.

Vì thế, cần phải thấy ở đây trách nhiệm khá lớn từ VFF. Một thời gian dài họ đã buôn lỏng quản lý. Nay “siết” lại thì cũng cần có lộ trình để vừa duy trì giải ở tình hình hiện tại mà vẫn tiến đến bảo đảm các tiêu chí chuyên nghiệp. 

VIỆT QUANG

Không lùi, hoãn mùa giải 2013

VPF khẳng định sẽ không chấp nhận kiến nghị lùi, hoãn mùa giải 2013 và sẵn sàng cho phương án xấu nhất: còn bao nhiêu đội đá bấy nhiêu. VPF ấn định ngày 27-10 sẽ là thời hạn cuối cùng để các đội chốt danh sách đăng ký thi đấu mùa giải mới, qua đó sẽ tiến hành xét các điều kiện tham gia theo tiêu chí mới đối với các CLB.

Tuy nhiên, đại diện nhiều CLB cho biết, hoãn hay không hoãn tùy các nhà tổ chức quyết định nhưng thời hạn 27-10 chốt danh sách, các đội khó đáp ứng kịp bởi đến thời điểm này, nhiều đội bóng chưa có kế hoạch chuẩn bị cho mùa giải mới. Lý do đưa ra là thiếu tiền!

Y.PHƯƠNG

-----

Tốn kém thêm, tiền ở đâu ra?

Đó là ý kiến của khá nhiều đội bóng, nhất là những đội đang thiếu hụt nhiều tiêu chí do AFC đưa ra. Trong tình hình vận động tài trợ khó khăn như hiện nay, trong khi đầu vào lại còn có thể ít hơn trước thì nếu bộ máy quản lý CLB phình to, rất khó để có đủ tiền mà thực hiện. Ước tính chỉ cần có thêm một đội trẻ dù là do CLB tự đào tạo hay liên kết thì cũng ngốn thêm vài tỷ đồng mỗi năm.

Trong 28 CLB hạng nhất và V-League hiện nay, cũng chỉ mới có chưa tới 10 CLB đã lên được kế hoạch tài khóa trong mùa tới, 2/3 số CLB hiện nay vẫn chưa biết ngày nào tập trung trở lại trong đó, ít nhất 6 CLB đang đứng trước nguy cơ giải thể.

Được biết, mức ngân sách tiết kiệm nhất để dự V-League là 25 tỷ đồng/mùa (hạng nhất là 15 tỷ đồng) trong khi mức trung bình của các hợp đồng tài trợ chính hiện nay là 10-15 tỷ đồng.

Đ.LINH

*****

Phó Chủ tịch VFF Phạm Ngọc Viễn: Sẽ có thải loại

Sau hơn 10 năm thử nghiệm, bóng đá Việt Nam đã có những bước tiến rất đáng kể. Tuy nhiên, tôi không phủ nhận chúng ta vẫn còn chưa làm tốt ở một số mặt, như hệ thống đào tạo trẻ, điều kiện sân bãi, ngân sách hoạt động, chuyển nhượng... Đây là những vấn đề mà VFF đã đưa ra các lộ trình bắt buộc các CLB phải hoàn thiện, nếu không sẽ bị các chế tài xử phạt, nặng nhất là không được tham dự giải đấu. Trong trường hợp các CLB không đáp ứng các tiêu chí thì họ sẽ bị chế tài xử phạt hoặc bị loại khỏi cuộc chơi. Tất nhiên, VFF với vai trò của mình sẽ phải hỗ trợ hết sức cho các CLB. Nhưng tôi tin, đây sẽ là một sự khởi đầu mới và sẽ là bước ngoặt trong quá trình phát triển của bóng đá Việt Nam.

T.O. (ghi)

Tin cùng chuyên mục