
Như đã trình bày ở những số báo trước, rõ ràng giữa công tác điều hành và thực tế sân cỏ đang có một khoảng cách lớn. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) dường như đang mất khả năng kiểm soát tình trạng bạo lực sân cỏ dù họ có trong tay nhiều công cụ.
- Bắt đầu từ công tác tổ chức
Tham khảo từ bóng đá Anh, nơi nổi tiếng về nạn hooligan, thật bất ngờ khi biết các sân cỏ của Anh rất an toàn. Khán giả ngồi sát sân cỏ, không hề có tường rào. Trên sân cũng chẳng có lực lượng an ninh đặc nhiệm, chỉ có đội ngũ phục vụ chuyên nghiệp. Hooligan thực tế là thuật ngữ dành cho thành phần côn đồ lợi dụng các trận đấu bóng đá để quậy phá, nhưng là bên ngoài nước Anh.
| |
Người Anh ngăn ngừa nạn bạo lực ra sao? Đối với các cổ động viên (CĐV), họ chủ động phân luồng CĐV đội khách đi vào và thoát khỏi sân theo một khu vực riêng.
Thậm chí, họ dành hẳn một trục giao thông bên ngoài sân vận động để tránh những va chạm không cần thiết. Họ kiểm tra người vào sân gắt gao và tuyệt đối không cho bất kỳ ai đã có tiền sử “quậy” vào sân bóng.
Đối với cầu thủ, hệ thống băng ghi hình trên sân quyết định tất cả. Ngay khi cầu thủ đó qua mắt trọng tài trong trận đấu thì anh ta vẫn chịu án phạt cực nặng nếu có hành vi bạo lực mà các camera ghi được.
Án phạt dành cho cầu thủ ở Anh ngoài chuyện bị cấm thi đấu theo điều lệ giải, còn nộp tiền phạt khá lớn. Trường hợp nghiêm trọng, còn bị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra.
Ở Việt Nam, dù có đủ các công cụ trong tay nhưng ban tổ chức các giải đấu đều không sử dụng hiệu quả. Hệ thống camera ghi hình mỗi sân còn quá ít (nhiều nhất chỉ 3 máy hoặc nhờ băng hình của các đài truyền hình). Nhưng ngay cả khi sự việc được ghi hình, cách xử lý của ban tổ chức cũng… tùy hứng, lại ít được xem xét mức độ tái vi phạm của sự việc. Rồi khâu kiểm soát người vào cửa quá sơ sài. Nhiều sân bóng còn mở cửa miễn phí nên không kiểm tra. Trên khán đài lại không đủ nhân viên bảo vệ chia nhỏ các khu vực ra dễ quản lý.
Trong khi đó, vấn đề xử phạt cầu thủ lẫn ban tổ chức sân bóng thì như đã đề cập, chỉ là “tát yêu” mà thôi. Một đội bóng nhận hơn 5 thẻ vàng/trận chỉ bị phạt có 2 triệu đồng. Các thẻ đỏ trực tiếp chỉ treo giò 1 trận và hiếm khi gia tăng thêm hình phạt. Việc truy cứu thêm trách nhiệm dân sự, hình sự là không có, thậm chí còn luôn giảm hình phạt mỗi khi được xin. Cái xấu sẽ khó phát triển nếu bị ngăn ngừa ở mức thấp nhất. Để làm được điều đó, công tác tổ chức một trận đấu là vô cùng quan trọng.

Bóng đá sẽ “chết” nếu trên sân cầu thủ đánh nhau và khán đài thì trống vắng. Ảnh: NGUYỄN NHÂN
- Nâng cao ý thức nghề nghiệp
Qua trao đổi với những người trong cuộc, đa số đều cho rằng nạn bạo lực phát triển xuất phát từ ý thức của người tham gia một trận bóng chưa tốt. Hay đúng hơn, nền tảng văn hóa thấp là nguyên nhân quan trọng.
Cầu thủ hiện nay đều là những tỷ phú đá bóng, thế nhưng, chưa có ai thống kê xem trình độ văn hóa của các cầu thủ ở cấp độ nào. Tất nhiên, bạo lực sân cỏ chẳng chừa một ai, dù văn hóa cao hay thấp. Cũng chẳng thể cấm một người ít học trở thành ngôi sao bóng đá nhưng nền tảng giáo dục sẽ giúp nâng cao ý thức nghề nghiệp.
Vậy nhưng trên thực tế, trình độ văn hóa của cầu thủ Việt Nam rất thấp. Họ lại không được trang bị đủ những kiến thức về luật bóng đá đầy đủ tại các CLB. Nói như chuyên gia Bùi Như Đức, trước mỗi trận, ban tổ chức đều họp 2 đội, khuyến cáo về những hành vi phi thể thao nhưng vào trận, vẫn không ai kiểm soát nổi cái đầu nóng. Chính ý thức nghề nghiệp quá yếu nên cầu thủ trên sân vẫn cứ thượng cẳng tay, hạ cẳng chân với nhau. Đã yếu về luật lệ và ý thức, lại còn không chịu sự răn đe mạnh tay từ các nhà tổ chức nên càng ngày, cầu thủ rồi CĐV càng có xu hướng tự do hơn với các hành vi phản thể thao.
“Thuốc đắng dã tật…”. Những tình huống bạo lực trên sân cỏ đôi khi bị bỏ qua hoặc chưa xử lý đúng do vấn đề thời gian. Hơn nữa, trọng tài có phạt cầu thủ nặng thế nào đi nữa cũng chỉ là tình thế trong chuyện đã rồi. Nhưng chính sự nghiêm minh sau đó mới thực sự tạo tác dụng tích cực để ngăn ngừa bạo lực.
Chính vì vậy, dư luận đang ngóng chờ sự quyết liệt từ những nhà điều hành bóng đá Việt Nam. Họ phải là người thay đổi mạnh mẽ nhất bởi có bất kỳ vụ việc nào xảy ra, chính họ mới là nơi bị áp lực nhiều nhất.
VIỆT QUANG
>> Giới chuyên môn nói về bạo lực sân cỏ: Hãy tôn trọng nghề nghiệp
>> Bạo lực trên sân cỏ chưa có thuốc đặc trị
Thử nghiệm nhưng chưa rút kinh nghiệm
Theo quan sát của chúng tôi, trong vòng 10 năm trở lại đây, dù đang ở giai đoạn thử nghiệm phát triển bóng đá chuyên nghiệp nhưng hầu như VFF không cử các tổ công tác sang những quốc gia tiên tiến để học hỏi công tác tổ chức. Cũng không thấy mời những chuyên gia nước ngoài sang hỗ trợ. Thậm chí, ngay trước mùa giải, cũng hiếm khi VFF tổ chức các khóa học, hội đàm, trao đổi kinh nghiệm tổ chức với các ban tổ chức sân cũng như CLB. Trong khi đó, với tình hình bạo lực gia tăng như hiện nay, nhất thiết phải có cuộc hội thảo lớn để đưa ra những biện pháp phù hợp nhất là phải có sự tư vấn của các cơ quan về luật, an ninh.
Trong quá trình phát triển bóng đá chuyên nghiệp, không phải cái gì cũng nên sao chép mô hình của những nước tiên tiến. Thế nhưng, nếu cứ mãi đổ thừa cho cái gọi là “đặc thù của bóng đá Việt” là không hợp lý vì xét cho cùng, đã là bóng đá chuyên nghiệp, luôn có những mẫu số chung.
T. O.