Asiad 19 là nguồn thu “khủng” của nước chủ nhà

Trước ngày khai mạc Asiad 19, hãng thông tấn Reuters trích nguồn chính quyền tỉnh Chiết Giang cho biết, sự kiện này tiêu tốn khoảng 30 tỷ USD.

Một con số rất “khủng” đối với một đại hội tầm cỡ châu lục và chắc chắn là lớn hơn nhiều so với dự báo nguồn thu chỉ vào khoảng 650 triệu USD đến từ 83 nhà tài trợ cũng như 2 triệu vé giá rẻ xem các sự kiện được bán ra.

Sân vận động chính của Asiad 19. Ảnh: ASIANGAMES19
Sân vận động chính của Asiad 19. Ảnh: ASIANGAMES19

Tổ chức một đại hội thể thao về bản chất khác hẳn việc đăng cai World Cup bởi khía cạnh kinh doanh không mang tính cốt lõi. World Cup do FIFA điều hành và trực tiếp kinh doanh với một dòng “sản phẩm” có giá trị thương mại khổng lồ.

Nhưng Olympic hay Asiad thì “doanh thu” được đong đếm bằng mục đích mà quốc gia chủ nhà đặt ra khi nộp đơn. Trong trường hợp của Asiad 19, chỉ duy nhất Hàng Châu - Trung Quốc là ứng viên đăng cai và được chọn. Trước đó, Hồng Công (Trung Quốc) cũng có kế hoạch, nhưng sau khi phân tích khía cạnh tài chính thì họ xin rút lui.

Con số 30 tỷ USD mà Reuters đưa ra không hề vô lý. Hàng Châu gần như là một đại công trường từ năm 2015 đến trước khi dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc. Asiad 19 hầu như không có cơ sở vật chất thể thao nào được xây mới, nhưng toàn bộ thành phố giàu có nhất tỉnh Chiết Giang thì thay đổi toàn bộ.

Thế nên, nói về doanh thu của Asiad thì nước chủ nhà Trung Quốc lại không có gì lo lắng. Sau Olympic Bắc Kinh 2008 và Asiad Quảng Châu 2010, họ đã nhận thấy tiềm năng của những sự kiện thể thao trong việc thúc đẩy tăng trưởng nội địa. Trung Quốc dự trù thu về khoảng 56,7 tỷ USD tổng sản phẩm quốc nội trong giai đoạn từ năm 2016 đến hết Asiad 19, căn cứ trên số lượng việc làm, giá trị gia tăng thông qua xây dựng nhà cửa, đường phố ở Hàng Châu và thu hút đầu tư tại Chiết Giang.

Asiad 19 có thể không nhiều kỷ lục thế giới trong thể thao, nhưng với các công ty công nghệ Trung Quốc thì họ lại lập kỷ lục về số ứng dụng được đưa vào trải nghiệm tại một địa điểm cụ thể. Asiad 19 chính là cuộc trình diễn lớn nhất trong lĩnh vực công nghệ đám mây, mạng 5G, những nền tảng kinh doanh mà Trung Quốc đang muốn chiếm lĩnh thị trường toàn cầu.

Chính vì thế, dù là Asiad, nhưng lễ khai mạc có sự hiện diện của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, còn lễ bế mạc được chủ trì bởi Thủ tướng Lý Cường, chừng đó cũng đã nói lên tầm quan trọng của những gì mà Asiad 19 đem lại cho nước chủ nhà.

Tin cùng chuyên mục