Với 28 môn “cốt lõi” của Olympic và bổ sung 12 môn có tính đặc thù (đã và sẽ là các môn Olympic), Asiad 19 là sự kiện mà nước chủ nhà Trung Quốc đã làm hết khả năng để tiếp cận cùng lúc 2 mục tiêu: đưa thể thao châu Á tiếp cận với thế giới, nhất là khi Olympic Paris 2024 cận kề; khiến người châu Á tự hào về bản sắc của mình.
Sự trỗi dậy của thể thao Ấn Độ
Đất nước hiện đông dân nhất thế giới này không phải là một cường quốc thể thao thế giới. Tại Olympic Tokyo 2020, đoàn thể thao đất nước tỷ dân này chỉ có 7 huy chương và giành vỏn vẹn 1 HCV, tức là chỉ xếp ngang với Thái Lan hay Philippines. Cách đây 20 năm, ở Busan 2002, Ấn Độ cũng chỉ có 36 huy chương các loại, xếp sau Thái Lan.
Thể thao Ấn Độ thể hiện bước tiến vượt bậc ở Asiad |
Là đất nước tổ chức kỳ Á vận hội đầu tiên vào năm 1951 và tham gia suốt từ đó đến nay nhưng phải đến Asiad 19, Ấn Độ mới thực sự tạo ra một sự đổi thay mang tính bước ngoặt đối với nền thể thao châu Á. Ban đầu, người ta thậm chí còn nghi ngờ khả năng có mặt của Ấn Độ do những căng thẳng giữa quốc gia này và nước chủ nhà Trung Quốc trong thời gian gần đây. Nhưng cuối cùng, Ấn Độ đã cử đến hơn 650 VĐV, đoàn thể thao đông nhất từng dự Asiad của họ trong lịch sử; và đến ngày 6-10 vừa qua, lần đầu tiên Ấn Độ chạm mốc 100 huy chương, gần như chắc chắn đứng hạng 4 toàn đoàn với hơn 22 HCV. Đây là lần đầu tiên từ năm 1962, thể thao Ấn Độ lọt vào tốp 4 châu Á.
Không chỉ có thế. Trong hơn 100 huy chương của mình, Ấn Độ có đến 29 chiếc thuộc về môn điền kinh, 22 chiếc khác ở môn bắn súng, tiếp theo là bắn cung, rowing và quyền Anh. Họ cũng lần đầu đoạt huy chương ở môn golf. Có đến 65% số huy chương của Ấn Độ đến từ các môn “cốt lõi” Olympic, và họ cũng phá đến 5 kỷ lục thế giới của một số môn thế mạnh như bắn súng, bắn cung.
Mặc dù khoảng cách giữa Ấn Độ và 3 đoàn mạnh nhất châu Á là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn còn nhưng với sự tiến bộ quá nhanh của Ấn Độ tại Asiad 19, chúng ta có thể hình dung đến ngày không xa, bản đồ quyền lực của thể thao châu Á sẽ được vẽ lại. Với lợi thế dân số cùng nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh hàng đầu thế giới, đi kèm tham vọng gia tăng “quyền lực mềm” thông qua thể thao theo xu hướng của châu Á hiện nay, sẽ không có gì bất ngờ nếu trong một ngày không xa, chính Ấn Độ mới là đoàn cạnh tranh vị trí thứ 2 châu lục với Nhật Bản. Asiad 19 vì vậy sẽ là sự kiện có ý nghĩa lịch sử với thể thao châu Á.
Lượng vẫn chưa làm đổi chất?
Ngoài sự nổi lên của đoàn thể thao Ấn Độ thì Asiad 19 không ghi nhận nhiều bất ngờ liên quan đến yếu tố địa lý. Sở hữu thể chất tốt nhưng thành tích của các đoàn Tây Á vẫn không thay đổi nhiều. 82% số lượng huy chương thuộc về các quốc gia thuộc khu vực Đông và Nam Á, trong khi 12% là của các nước đến từ phía Tây, và phần còn lại thuộc về thể thao Trung Á với những đoàn thể thao có gốc gác Liên Xô trước đây.
Chi tiết này cho thấy việc tranh chấp huy chương của châu Á tại Olympic 2024 vẫn phải chờ đợi ở đoàn thể thao Trung Quốc, nhưng nếu đi sâu vào môn cụ thể thì Asiad 19 không chứng kiến các thành tích vượt trội của VĐV Trung Quốc ở những môn cơ bản.
Ví dụ như tại môn bơi, đoàn thể thao Trung Quốc thống trị hoàn toàn với 29 HCV, nhưng lại không có một kỷ lục thế giới hay Olympic nào được thiết lập. Tương tự là môn điền kinh, dù Trung Quốc đứng đầu với 19 HCV. Nhìn chung, số huy chương của Trung Quốc gần gấp 4 lần đoàn đứng thứ nhì là Nhật Bản, chủ yếu đến từ những môn có tính đặc thù châu Á được đưa vào đại hội.
Bỏ qua khía cạnh thành tích thì Asiad 19 là một dịp phô trương thanh thế của châu Á ở các môn đang có nhiều khả năng sẽ được đưa vào chương trình thi đấu Olympic sắp đến, như Esports, leo núi hay trượt ván chướng ngại vật… Đó đều là những môn thi của giới trẻ, phản ảnh xu thế thời đại và cũng khá nhiều lần khiến cho Ủy ban Olympic quốc tế tổ chức các cuộc bỏ phiếu để chính thức đưa các môn này vào hệ thống “cốt lõi” hoặc mang tính thường xuyên ở các kỳ Olympic.