Áp lực đến từ đâu?

Áp lực đến từ đâu?

Có thể khẳng định ngay: đang có một áp lực khủng khiếp đè lên V-League. Hàng loạt vấn đề liên quan đến trọng tài đã minh chứng điều đó. Tiểu ban trọng tài thì ra văn bản yêu cầu các ông “vua áo đen” phải mạnh tay hơn, trong khi đó, đội nào cũng ta thán trọng tài. Vòng nào cũng có. Hết ta thán thì phản ứng mạnh, bất chấp càng làm thế càng bị phạt nặng hơn. Kỷ cương sân cỏ đang có chiều hướng hỗn loạn, khi các thành phần tham gia đều không còn lòng tin ở nhau. Đội bóng cam chịu, còn giới trọng tài thì cho rằng, họ bị đẩy vào đường cùng, phạt nhiều hay ít cũng bị soi xét!

Trận đấu bù trên sân Cao Lãnh mới đây, một số quyết định của trọng tài cũng đã bị HLV Lê Huỳnh Đức của SHB Đà Nẵng phản ứng quyết liệt. Ảnh: Dũng Phương
Trận đấu bù trên sân Cao Lãnh mới đây, một số quyết định của trọng tài cũng đã bị HLV Lê Huỳnh Đức của SHB Đà Nẵng phản ứng quyết liệt. Ảnh: Dũng Phương

Điều gì đang xảy ra?

Từ sau vụ hàng loạt trọng tài “nhúng chàm” năm 2005 đến nay, với lý do không kịp đào tạo thay thế, Hội đồng trọng tài quốc gia đã kêu gọi sự thông cảm từ các đội bóng lẫn dư luận. Nếu chỉ trong thời gian ngắn thì được, chứ có đến 2-3 mùa mà cái điệp khúc “thông cảm” và “thiếu hụt” cứ vang lên thì thành thật mà nói, giới trọng tài cũng đừng thắc mắc tại sao bây giờ các HLV vừa nhìn những ông “vua” trẻ măng, vừa lắc đầu. Thói quen xem trọng tài còn non kinh nghiệm đã hằn sâu vào những người làm bóng đá, nên cứ trên sân bị xử ép là họ lại ngay lập tức cho rằng: vì trọng tài còn quá non!

Thêm vào đó, những qui định liên quan đến giới trọng tài cũng là một thứ gây ức chế. Xử đội bóng thì thẳng tay và cả nước đều biết, chứ trọng tài bị kỷ luật thì chỉ có nội bộ biết với nhau. Cũng như phần lớn thông tin công khai đều bảo vệ các trọng tài, hiếm khi nào đứng về phía các CLB. Chính vì như thế mới có căn bệnh “đổ thừa” cho trọng tài, nếu như đội bóng sai sót hay thua trận. Chính khán giả cũng bị rơi vào trạng thái này, và vô tình tăng áp lực khủng khiếp lên giới cầm cân nẩy mực. Trong bối cảnh đó, không phải ai cũng có thể trụ vững.

Tóm lại, luật lệ sân cỏ đang như một trò đùa, mà người ta cứ tìm cách giải thích các hành vi sai trái của mình bằng hàng loạt lý do. Dù lý do nào thì luật lệ cũng đang không còn được tôn trọng!

Ai cũng có cái lý của mình, nhưng điều quan trọng nhất, sân cỏ V-League hiện giống như một cái lò lửa, rất dễ phát nổ. Đấy mới là mối nguy hiểm thực sự!

Trong khi đó, các nhà điều hành bóng đá tại VFF vẫn cứ bình chân như vại. Đã thế, một số phán quyết của họ còn tạo nên cảm giác thiên vị. Có người đã đặt câu hỏi: Có nên dừng V-League lại hay không?

Đấy không phải là ý kiến vô lý. Phàm cái gì bị mất kiểm soát thì cần phải dừng lại, chứ đi tiếp sẽ gây tai họa khôn lường. Không phải chờ đến khi cầu thủ đuổi đánh trọng tài, hay trọng tài bị khán giả tấn công mới suy nghĩ về điều này. Có những sự việc đôi khi chỉ xảy ra ở một thời điểm nào đó, nhưng tình hình V-League chưa hết lượt đi mà vòng nào cũng lộn xộn thế này cho thấy: hệ thống điều hành đang mất quyền kiểm soát ngay từ bên dưới. Tổ chức giải mà cứ hồi hộp hy vọng đừng xảy ra chuyện gì thì có nên tổ chức hay không?

Hơn nữa, cứ để mọi việc loạn như thế này sẽ diễn ra cảnh “tát nước theo mưa”. Ví dụ như trận đấu có tiêu cực, nhưng một đội “giả vờ” phản đối trọng tài để “lái” dư luận theo hướng khác, mà bỏ qua phần chuyên môn. Ví dụ như trọng tài có tiêu cực nên cố tình phạm vài lỗi chuyên môn để đội thua phản ứng mạnh, rồi sau đó họ sẽ thoát với lý do các “đội bóng nhìn đâu cũng thấy sai”. Cái kiểu không tin nhau thì không thể làm việc chung với nhau được là vậy.

V-League còn chưa hết lượt đi. Tình hình còn chưa đến mức quyết liệt mà bạo lực sân cỏ liên quan đến vấn đề trọng tài thì ngày một trầm trọng, nên thử hỏi BTC có bảo đảm an toàn cho lượt về không?

HỒ VIỆT

Tin cùng chuyên mục