Trong bóng đá có những “cái dớp” rất khó giải thích, nhất là với các nền bóng đá trong cùng khu vực thường xuyên gặp nhau. Ví dụ như Việt Nam luôn có kết quả tốt trước Indonesia, không bao giờ lo lắng về Malaysia nhưng lại có thể trở thành một phiên bản khác khi đối đầu với Thái Lan. Trong khi đó, kể cả khi là đội bóng mạnh nhất Đông Nam Á nhiều thập niên, nhưng Thái Lan lại nhận nhiều trái đắng trước Malaysia và Singapore và luôn thắng đậm Indonesia. Ngược lại, đội bóng mà Malaysia “sợ” nhất chính là Indonesia.
Vì câu chuyện này rất khó giải thích, nên nếu người Thái Lan rất tự tin dù phải đối đầu với chủ nhà Việt Nam, cũng không phải là điều bất ngờ. Lịch sử đang hoàn toàn đứng về phía họ. Từ trận chung kết SEA Games lịch sử năm 1995 đến nay, đã 27 năm và 12 kỳ đại hội trôi qua, Việt Nam và Thái Lan đã gặp nhau trong 4 trận chung kết và chúng ta đều thua, gồm cả trận chung kết trên sân nhà ở SEA Games 2003. Chưa từng có cặp đấu chung kết nào trong lịch sử SEA Games mà phần thắng chỉ nghiêng về một phía như vậy.
Điều đó chỉ phản ánh phần nào sự chênh lệch vô cùng lớn ở kết quả thi đấu tại SEA Games giữa Thái Lan và Việt Nam. Nếu tính trên mọi giải đấu, chỉ đến năm 1998, Việt Nam mới thắng Thái Lan ở Tiger Cup (tiền thân của AFF Cup), nhưng riêng ở SEA Games, từ đội tuyển quốc gia đến khi chuyển thành cấp độ U23 (năm 2001) đến nay, kết quả tốt nhất mà Việt Nam từng có là… trận hòa 2-2 ở SEA Games 30, thời điểm mà Việt Nam đang ở đỉnh cao, còn Thái Lan sa sút. Chính trận hòa này đã khiến U23 Thái Lan bị loại tại vòng đấu bảng, nên cũng có thể ghi nhận là thành công của Việt Nam.
Đó là trận hòa thứ 3 của Việt Nam trước người Thái trong lịch sử SEA Games từ sau ngày thống nhất đất nước. Trận hòa đầu tiên (0-0) diễn ra ở vòng đấu bảng SEA Games 1999 và đến chung kết gặp lại, Thái Lan thắng 2-0. Trận hòa thứ 2 tại SEA Games 22, cũng ở vòng đấu bảng và sau đó, Thái Lan lại thắng trong trận chung kết. Không có một chiến thắng nào cả tính từ trận chung kết SEA Games 1995 đến nay dù 2 đội gặp nhau đến 11 lần ở 7 kỳ đại hội.
Nhưng cái gì cũng có… lần đầu tiên. Trận chung kết diễn ra ở Mỹ Đình hôm nay có thể tạo nên lịch sử. Tại đây, chúng ta đã vượt qua chính Thái Lan để có danh hiệu Đông Nam Á lần đầu tiên tại AFF Cup 2018. Cũng ở Mỹ Đình, lần đầu tiên Việt Nam có chiến thắng trước Thái Lan ở cấp độ U23 trong một giải đấu chính thức, là vòng loại U23 châu Á năm 2019. Vì vậy, tại sao không thể có lần đầu tiên Việt Nam đoạt HCV lần thứ 2 liên tiếp bằng cách lần đầu đánh bại Thái Lan trong một trận chung kết SEA Games, kết thúc “cái dớp” 27 năm.