Vĩnh biệt “vị cứu tinh” của Olympic

Vừa qua, cựu Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) - Juan Antonio Samaranch (ảnh), người được xem là có nhiều quyền lực nhất làng thể thao thế giới trong suốt 21 năm đương nhiệm (1980-2001) đã qua đời ở tuổi 89 tại một bệnh viện ở Tây Ban Nha do suy tim hô hấp.
Vĩnh biệt “vị cứu tinh” của Olympic

Vừa qua, cựu Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) - Juan Antonio Samaranch (ảnh), người được xem là có nhiều quyền lực nhất làng thể thao thế giới trong suốt 21 năm đương nhiệm (1980-2001) đã qua đời ở tuổi 89 tại một bệnh viện ở Tây Ban Nha do suy tim hô hấp.

Đương kim Chủ tịch IOC Jacques Rogge xúc động bày tỏ lòng kính trọng với ông Samaranch: “Tôi không tìm được từ nào để nói được tình cảm mà đại gia đình Olympic dành cho ông nhưng tận đáy lòng tôi thật sự đau buồn khi biết ông Samaranch qua đời. Không ai có thể phủ nhận sự tận tâm, nhiệt huyết mà ông đã đóng góp cho phong trào Olympic”.

Cựu Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế - Juan Antonio Samaranch

Cựu Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế - Juan Antonio Samaranch

21 năm đương nhiệm ở vị trí Chủ tịch IOC của ông Samaranch đã tạo nên ấn tượng sâu đậm trong làng thể thao thế giới. Dư luận quốc tế nhắc đến ông cùng với nỗ lực thương mại hóa các kỳ Thế vận hội, giúp phong trào Olympic được phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới.

Khi ông về IOC, nơi này đang trong tình cảnh gắng gượng với ngân quỹ còn chưa tới 500.000 USD. Bên cạnh đó là vụ chia rẽ nghiêm trọng tại Thế vận hội Los Angeles 1984. Tuy nhiên, ông Samaranch, với tư duy của một nhà ngoại giao và khả năng lèo lái của mình, đã biến Olympic Los Angeles trở thành Olympic được nhắc đến cùng với niềm tự hào vì thu được khoản lợi đến 200 triệu USD, trở thành kỳ Thế vận hội đầu tiên sinh lãi kể từ 1932.

 Ngoài ra, nó còn mang lại sự phát triển kinh tế của miền Nam California, ước tính đạt 3,2 tỷ USD và 30% lợi nhuận được dùng tổ chức các hoạt động thể thao dành cho giới trẻ lúc bấy giờ.

Một trong những biện pháp mà IOC chọn để thực hiện lúc bấy giờ là cải thiện các cơ sở thi đấu hiện có, thay vì xây dựng các địa điểm thi đấu nổi tiếng tạo hình ảnh bề ngoài nhưng làm thâm hụt ngân sách.

Đối với Olympic 1988, luồng ngoại tệ đổ vào trong thời gian diễn ra Olympic nhờ các kênh truyền hình và tập đoàn quốc tế vẫn tiếp tục tài trợ sau khi các vận động viên trở về nhà. Hàng loạt doanh nghiệp kéo đến Seoul, nhờ đó Hàn Quốc trở thành cường quốc kinh tế đứng hàng thứ ba ở châu Á. Olympic cũng đã tạo đà tích cực cho thể thao Hàn Quốc.

Đến năm 1992, Olympic Barcelona diễn ra trên chính quê hương của cựu Chủ tịch Samaranch đã làm thay đổi diện mạo nơi này, biến nó thành một trong những điểm đến du lịch đông nhất châu Âu. Olympic cũng đã biến Barcelona thành một trung tâm kinh doanh. Sau đó là Olympic Atlanta 1996, đây là kỳ Olympic đầu tiên được tài trợ gần như hoàn toàn từ các doanh nghiệp. Bên cạnh những nỗ lực tìm kiếm tài trợ, ông còn biến Thế vận hội trở thành một “tập đoàn đa quốc gia” về thể thao.

Tuy nhiên, bên cạnh những trái ngọt từ việc thương mại hóa Olympic mang lại, những tai tiếng và bê bối xung quanh sự nhũng nhiễu mà các thành viên IOC gây ra đối với các doanh nghiệp, các quốc gia để “trao đổi” quyền lợi trong các cuộc vận động giành quyền đăng cai đã tạo nên những rạn nứt trong chính ủy ban này.

Điều mà dư luận quan tâm là ông Samaranch ngay từ đầu đã không đủ cương quyết và mạnh mẽ để tự “bắt sâu” trong nội bộ của mình. Cho đến khi ông nhận ra thì sự việc đã đi quá xa. Ông từng tuyên bố: “Nếu cần, chúng tôi sẽ quét dọn”. Sau đó, hàng loạt thành viên của IOC đã phải từ chức sau khi bị khiển trách nặng nề.

Và chính ông Samaranch sau đó cũng phải ra đi. Tuy nhiên, ông được IOC ưu ái dành tặng danh hiệu Chủ tịch danh dự suốt đời và hàng năm vẫn được hưởng khoản lương 174.000 USD.

Dù ủng hộ hay không ủng hộ, chỉ trích hay không chỉ trích việc thương mại hóa thể thao thì không ai phủ nhận ông Samaranch chính là người đã đặt những viên gạch đầu tiên cho sự phát triển của “ngành công nghiệp thể thao” hiện đại cũng như tạo nên một “LHQ thể thao” chặt chẽ hơn giữa các quốc gia trên toàn thế giới.

H.Nhi

Tin cùng chuyên mục