Vì sao nói Asiad 2023 còn 'lớn hơn' Olympic?

Trễ một năm do đại dịch Covid 19, lại rất gần với Thế vận hội mùa hè Paris 2024, Asiad 19 – Hàng Châu 2023 thu hút rất nhiều sự chú ý, đặc biệt là sau khi truyền thông Trung Quốc liên tục nhắc đến khái niệm “Lớn hơn cả Olympic” trước ngày khai mạc. Đó đương nhiên là một so sánh không phù hợp, nhưng vì sao nó không hoàn toàn vô lý.
Vì sao nói Asiad 2023 còn 'lớn hơn' Olympic?

Đầu tiên, đó là một con số có thật. Các nhà tổ chức cho biết hơn 12.000 người sẽ tham gia đại hội và đây là kỳ Asiad lớn nhất về qui mô trong lịch sử. VĐV đến từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ ở Hàng Châu sẽ nhiều hơn con số 10.500 người dự kiến ​​cho Thế vận hội Paris năm tới. Vì sao có con số khổng lồ nói trên? một phần là do nước chủ nhà đưa thêm một số môn mang tính “đặc sản” dành riêng cho châu Á, không tìm thấy ở Thế vận hội. Tất nhiên, trong số đó có các môn không hẳn là của riêng Asiad, ví dụ như môn cricket, dự kiến ​​sẽ diễn ra Thế vận hội vào năm 2028 tại Los Angeles, bên cạnh đó có môn bóng quần vốn đã được thử nghiệm nhiều lần để được đưa vào chương trình thi đấu Olympic.

Tuy nhiên, sẽ có những môn mà người Âu, Mỹ hay châu Phi sẽ cảm thấy ngạc nhiên vì khó tiếp cận như đua thuyền rồng, cầu mây - đôi khi được gọi là "bóng chuyền bằng chân” hay wushu, một môn võ thuật có nguồn gốc Trung Hoa và kabaddi, một môn thể thao phổ biến ở tiểu lục địa Ấn Độ. Ngoài ra còn có môn võ thuật chưa được Olympic công nhận là ju-jitsu, và Kurash, một hình thức đấu vật phổ biến ở Trung Á. Nhưng cũng có những môn mà thế giới cần phải xem xét mức độ phổ biến của nó đang tràn ngập thế giới, tức các môn “thể thao trí tuệ" từ đá cầu, cờ vua đến cờ tướng và thể thao điện tử (e-sports). Nó có vẻ đến từ châu Á nhưng lại mang tính toàn cầu từ lâu vì dân tộc nào cũng chơi được.

Đó chính là điều làm nên sự khác biệt của Asiad. Đây là sự kiện có đến 9 môn thể thao sẽ tính chuẩn giành suất dự Thế vận hội là bắn cung, bơi nghệ thuật, quyền anh, khúc côn cầu, năm môn phối hợp hiện đại, chèo thuyền, quần vợt và bóng nước. Nhưng cách Asiad thiết kế ra các môn dành riêng nhằm tạo cơ hội cho các đoàn thể thao nhỏ có được cơ hội giành huy chương, điều thường không thể xảy ra tại Thế vận hội.

Ở Asiad 18, Trung Quốc đã giành gần 300 huy chương và tiếp tục đứng đầu, nhưng xếp cuối bảng là Syria và Nepal mỗi nước cũng có 1 huy chương duy nhất. Bhutan và Bangladesh nằm trong số 9 đoàn không giành được chiến thắng nào. Tại Asiad 19, chắc chắn Trung Quốc sẽ thống trị bảng huy chương như họ đã làm trong 40 năm qua, tiếp theo là Nhật Bản và Hàn Quốc - những cường quốc khác của châu Á. Nhưng các đoàn còn lại, trải dài từ Lebanon trên Địa Trung Hải, qua Trung Á và tiểu lục địa Ấn Độ, tới Triều Tiên cũng sẽ có cơ hội riêng của mình. Yếu tố đại đồng, kết nối luôn hiện hữu ở Asiad. Đó chính là sự “lớn hơn” đáng chú ý.

Các nhà tổ chức cho biết 191 thành viên của đoàn Triều Tiên sẽ có mặt, lần đầu xuất hiện tại sự kiện thể thao quốc tế kể từ khi đóng cửa biên giới vào đầu năm 2020 do đại dịch Covid-19. Đoàn thể thao Hàn Quốc cũng đã cử đoàn VĐV lớn nhất từ trước đến nay dự Asiad 19, đó là một động thái được cho là muốn gia tăng “quyền lực mềm” sau các biến động gần đây ở khu vực Đông Á. Đài Loan cũng là một đoàn thể thao riêng với cái tên Đài Bắc Trung Hoa và lá cờ trắng có 5 vòng tròn Olympic. Điều đáng nói là Đài Loan với chỉ 23,5 triệu người, lại là một cường quốc thể thao ở châu Á khi ở Asiad 18 họ đứng hạng 7, xếp trên cả Indonesia. Những vấn đề về địa chính trị ở Asiad có thể nói là vừa có đủ nhưng thậm chí còn phức tạp hơn ở Olympic. Ngay cái động thái cho phép VĐV của Nga, Belarus tham gia ở vị thế trung lập cũng là điều mà Asiad “quyết” nhanh, đơn giản hơn Olympic.

Một sự khác biệt nữa của Asiad, đó là Hội đồng Olympic châu Á (OCA) hiện đang điều hành bởi chủ tịch lâm thời Randhir Singh của Ấn Độ, người được Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) công nhận. Tuy nhiên, đó là vì IOC đã công khai can thiệp hồi tháng 7 để vô hiệu hóa cuộc bầu cử chủ tịch OCA khi họ ra quyết định đình chỉ tư cách thành viên IOC của cựu chủ tịch OCA là Sheikh Ahmad. Ông này vốn là đối thủ của chủ tịch IOC trong cuộc đua quyền lực ở thế giới thể thao toàn cầu. Sheikh Ahmad Al-Fahad Al-Sabah đến từ Kuwait, một thành viên IOC lâu năm, nổi tiếng là “người tạo ra vua” đã giúp ông Bach giành được chức chủ tịch IOC vào năm 2013 nên có tầm ảnh hưởng rất lớn. Cuộc bầu chọn chủ tịch OCA vào tháng 7 đã có chiến thắng thuộc về Sheikh Talal Fahad Al-Ahmad Al-Sabah, em trai của Sheikh Ahmad. Hai anh em họ vốn là con trai của người sáng lập ra OCA. Thế là IOC không công nhận kết quả bầu cử này và về lý thuyết, hiện OCA không có chủ tịch chính thức.

Tin cùng chuyên mục