Vì một châu Á đoàn kết

Chỉ đứng sau Olympic về quy mô tổ chức và thành tích, Asiad từ lâu đã trở thành niềm tự hào, thậm chí là biểu tượng của thể thao châu Á. Những quốc gia đăng cai sự kiện này, trong đó có nước chủ nhà kỳ này là Trung Quốc, luôn hướng đến mục tiêu “Vì một châu Á đoàn kết”.
Tổ hợp thể thao của TP Hàng Châu
Tổ hợp thể thao của TP Hàng Châu

Trái tim của “Ngôi nhà châu Á”

Asiad chính là “trái tim” của thể thao châu lục, một sân chơi mà hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ luôn nhiệt tình tham gia và đóng góp ý kiến xây dựng để ngày một hiện đại và hấp dẫn hơn. Điều này cũng dễ hiểu, vì ở đấy không đơn thuần chỉ là những cuộc chạy đua tranh giành huy chương và thể hiện tài năng thể thao của các VĐV, mà còn là nơi để các nền văn hóa giao thoa, hội tụ.

Thế giới sẽ biết đến vẻ đẹp, khát vọng của con người Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Iran, Thái Lan, Mông Cổ, khối các nước Ả Rập… nhiều hơn khi dõi theo sự kiện được tổ chức theo chu kỳ 4 năm/lần này. Thành thử, Asiad giống như một ngày hội văn hóa - thể thao hơn là một sự kiện đơn thuần. Khi một quốc gia đăng cai Asiad, song hành với chuyện thi đấu luôn là nỗ lực quảng bá danh thắng, ẩm thực, nghệ thuật truyền thống và hình ảnh đất nước của mình đến với bạn bè quốc tế. Những ngôn từ mỹ miều nhất thường được sử dụng để viết nên khẩu hiệu của một kỳ đại hội, chẳng hạn năm nay Trung Quốc chọn câu “Heart to Heart, @Future” (Từ trái tim tới trái tim, hướng đến tương lai), mang ý nghĩa kéo các nền thể thao châu Á xích lại gần nhau hơn, gìn giữ tình đoàn kết và tương trợ nhau nhiều hơn để cùng phát triển, cùng hướng tới một tương lai hưng thịnh.

Trước thềm Asiad 19, trong dịp chào đón chuyến tham quan và làm việc của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), Ủy ban Olympic châu Á (OCA) và các trưởng đoàn thể thao tham dự đại hội, ban tổ chức nước chủ nhà đã đưa ra khuyến nghị về những điều “nên và không nên” khi tiếp cận văn hóa Trung Quốc. Tức là, dù vui mừng hay phấn khởi đến mấy thì việc hôn lên má và ôm nhau là không thể chấp nhận được bởi trong trường hợp này, chỉ cần bắt tay là đủ.

Ban tổ chức Asiad 19 sẽ đánh giá cao nếu lãnh đạo các đoàn thể thao trao đổi danh thiếp trong các sự kiện bên lề. Ngoài ra, hơn 12.000 vận động viên tham dự sẽ được tư vấn kỹ lưỡng về phân loại rác thải, bảo vệ môi trường và chính sách không hút thuốc ở khu vực công cộng.

Về ẩm thực, ban tổ chức đề nghị lãnh đạo các đoàn, huấn luyện viên, chuyên gia, vận động viên sử dụng đũa trong bữa ăn để làm phong phú thêm trải nghiệm của họ về văn hóa Trung Quốc, kèm cảnh báo mọi người không để đũa thẳng đứng trong bát cơm hoặc tô cháo theo phong tục từ xa xưa. Quy trình đúng là đặt đũa lên mép bát hoặc trong hộp đựng đũa.

Các thành viên tham dự đại hội cũng được nhắc nhở về việc chấp hành nghiêm luật giao thông (đã uống rượu bia thì không lái xe), và cảnh báo hành vi quấy rối tình dục được coi là một tội hình sự nghiêm trọng ở Trung Quốc.

Thay đổi để tồn tại

Tương tự như SEA Games ở Đông Nam Á hay các đại hội thể thao ở châu Mỹ, châu Phi, sự kiện Asiad luôn đòi hỏi sự đổi mới, cách tân để phù hợp với xu thế phát triển của thể thao thế giới. Trước đây, các nền thể thao hàng đầu châu Á luôn xem Asiad là “bàn đạp” thúc đẩy sự phát triển của nhiều môn trọng điểm, đến gần hơn với đẳng cấp của Olympic. Nhưng theo thời gian, Asiad có phần giảm sút về hiệu suất tranh tài, giá trị thương mại vì những điều tưởng chừng khó xảy ra như dàn xếp tỷ số, tranh cãi trên sân đấu, sử dụng chất cấm hay tiểu xảo để đạt được thành tích cao nhất… liên tục xuất hiện. Cộng thêm với việc mở rộng phạm vi, chọn một số quốc gia đăng cai ngoài nhóm những nền thể thao lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Qatar... có cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông, chất lượng dịch vụ, lưu trú… chưa đáp ứng được yêu cầu cao của một sân chơi hàng đầu châu lục, khiến Asiad “mất giá”.

Giờ đây, nhất là sau khi châu Á trải qua đại dịch Covid-19, tư duy làm thể thao của những nhà tổ chức Asiad cũng đổi khác theo hướng tích cực và cầu thị hơn. Bên cạnh tính truyền thống là những môn thuộc nhóm Olympic, sân chơi này đã tiếp nhận và thử nghiệm thêm các môn mang tính “thời thượng” và nhiều sức hút như Breakdance (trụ cột của văn hóa nhảy hip-hop), Dance Sports (khiêu vũ thể thao), eSports (thể thao điện tử), Triathlon (3 môn phối hợp), Billiards&Snooker vào chương trình tranh tài và được đa số quốc gia tham dự ủng hộ, đầu tư xây dựng lực lượng.

Asiad tất nhiên vẫn giữ được hồn cốt của thể thao châu lục, dù có du nhập thêm nhiều môn thi đấu. Điều đó thể hiện ở độ khéo léo, sự tinh tế trong thi triển kỹ thuật thi đấu đặc trưng của VĐV châu Á ở nhóm môn võ thuật (taekwondo, karate, judo), hoặc ở các môn đòi hỏi sự kiên trì và khát vọng cực lớn trong tập luyện như bắn cung, bắn súng, cầu lông, bóng bàn, thể dục dụng cụ…

Asiad 19 chính thức khởi tranh vào ngày 23-9 tới đây, khi ngọn lửa của ngày hội lớn được thổi bùng lên trong đêm khai mạc ở thành phố Hàng Châu (Trung Quốc). Vượt qua nhiều thách thức, kỳ Á vận hội diễn ra trễ nhất lịch sử (dời từ năm 2022 qua năm nay) vẫn được xem là “Nơi tinh hoa thể thao châu Á hội tụ” và là dịp để các VĐV hàng đầu châu lục so đọ tài năng, tìm kiếm vinh quang cho bản thân và cho nền thể thao của quốc gia mình.

Tại buổi lễ gần đây giới thiệu về văn hóa Trung Quốc tại làng VĐV, Ban tổ chức Asiad 19 đã tiết lộ bó hoa sẽ trao tặng kèm huy chương cho các VĐV có tên “Trái cây chiến thắng”, tượng trưng cho tinh thần luôn tiến lên phía trước, không bao giờ bỏ cuộc của các VĐV. Bó hoa gồm bông lúa, hoa sen tượng trưng cho mùa màng và thành tựu trong văn hóa Trung Quốc. Trong bó hoa còn có một giống hoa hồng của Trung Quốc được gọi là “Trái tim em bé” cùng các loại cây đặc biệt của Hàng Châu, gồm cành trà Long Tỉnh, cành hoa mộc… Những điều này thể hiện nét quyến rũ độc đáo và di sản văn hóa giàu giá trị của Hàng Châu, địa điểm chính diễn ra Asiad 19.

Tin cùng chuyên mục