Ngay những ngày đầu năm, tin vui của 2 VĐV Việt Nam là Lê Quang Liêm ở môn cờ vua và Nguyễn Hoàng Thiên môn quần vợt liên tục bay về. Họ đều còn rất trẻ nhưng thi đấu chuyên nghiệp từ gần 5 năm qua và có một điểm chung là tự bỏ tiền túi ra đi thi đấu, mỗi năm, cũng phải trên dưới chục giải lớn, bé khác nhau. Vừa có cơ hội ghi điểm xếp hạng, vừa có tiền thưởng để tự trang trải kinh phí.
Tại môn quần vợt, Nguyễn Tiến Minh cũng nhờ làm cách này mà lọt vào tốp 10 thế giới, làm rạng danh thể thao Việt Nam bằng chính tiền túi của mình. Có thể thấy, mô hình này đem lại rất nhiều điều thuận lợi cho cá nhân VĐV và cả thể thao nước nhà.
Với thể thao chuyên nghiệp, đây là chuyện bình thường nhưng ở Việt Nam thì cũng còn rất ít VĐV tự thân vận động như thế. Không phải vì họ không biết mà là vì thiếu người hướng dẫn để họ có thể thâm nhập nền thể thao chuyên nghiệp của thế giới.
Như trường hợp của Nguyễn Tiến Minh phải nhờ bà phó chủ tịch Liên đoàn Cầu lông Việt Nam dẫn dắt. Nguyễn Hoàng Thiên thì do gia đình tự mày mò tìm hiểu còn Lê Quang Liêm là học theo mô hình của các đàn anh như Đào Thiện Hải, Quang Sang…
Thế mới thấy tiếc khi các VĐV điền kinh xuất sắc như Vũ Thị Hương hay Trương Thanh Hằng lại không có nhiều cơ hội cọ xát do nguồn kinh phí đợi cấp từ ngân sách nhà nước không nhiều. Mỗi năm, họ chỉ được du đấu nhiều lắm là 2 giải nhưng không phải những cuộc thi đấu dạng mời có tiền thưởng cao.
Họ rất cần những người có trách nhiệm quan tâm, hướng dẫn họ từ việc học ngoại ngữ đến xin trích một ít tiền từ ngân sách để làm kinh phí di chuyển rồi sau đó họ mới lại… tự thân vận động.
Hai Sài Gòn