Thể thao Việt Nam: Bùng cháy khát vọng

Phải chờ đợi hơn một thập niên, thể thao Việt Nam mới tìm lại được cảm giác chiến thắng liên tiếp ở đấu trường châu Á. Lần đầu tiên, thể thao Việt Nam giành được những tấm huy chương danh giá ở nhóm môn Olympic.

Trịnh Văn Vinh: Sinh ra để tạo bất ngờ

Không được chăm chút như đàn anh Thạch Kim Tuấn, thậm chí từng có lúc tính chuyện bỏ nghề để kiếm sống bằng cách khác vì tập cử tạ cực khổ và khó vươn đến thành tích cao, nhưng rốt cuộc chàng lực sĩ Trịnh Văn Vinh của vùng đất quan họ Bắc Ninh đã chọn ở lại.

“Chả lẽ lại bỏ cuộc sau 8 năm theo đuổi, tôi từng có lúc nghĩ như thế, nhưng được các thầy và đồng nghiệp động viên tiếp tục. Tôi chỉ ước mình trở thành Hoàng Anh Tuấn thứ 2, để được 1 lần giành lấy tấm huy chương Olympic. Vì thế, tôi đã toàn tâm gắn bó với cử tạ dù bất cứ gì xảy ra đi nữa”, Vinh tâm sự.

Trịnh Văn Vinh
Hạng cân 62kg nam của Vinh có lực sĩ Eko Yuli Irawan (Indonesia) rất mạnh, từng nhiều phen đánh bại Hoàng Anh Tuấn, Thạch Kim Tuấn ở hạng 56kg trước khi chuyển lên thi đấu ở hạng cao hơn. Nhưng Văn Vinh đã gây sốc Đông Nam Á khi đánh bại Eko ở SEA Games 29 để giành HCV. Dù để thua Eko ở chung kết Asiad 2018 và chỉ giành HCB, nhưng Văn Vinh cũng đã gây áp lực rất lớn lên đối thủ, tiếp tục thể hiện phong độ.

Sau những thành tích ấn tượng, luôn ổn định từ SEA Games 29 đến Giải vô địch thế giới 2017 (Vinh bất ngờ giành HCV cử giật với 136kg) và tại Asiad 2018, lực sĩ bước qua tuổi 20 này đã chính thức được điền tên vào danh sách các VĐV được đầu tư trọng điểm cho đấu trường Olympic Tokyo 2020.

Lương Thị Thảo: Nhà vô địch tuổi 19

Chưa đầy 20 tuổi, nhưng Thảo trở thành 1 trong những VĐV hiếm hoi của đội tuyển rowing giành được HCV ở sân chơi Asiad, nơi mà nhiều lứa đàn anh và đàn chị đã gắng sức nhưng chưa từng chạm đến vinh quang. Thảo chính là “cô út” trong bộ tứ gây chấn động cuộc tranh tài châu Á (cùng Hồ Thị Lý, Tạ Thanh Huyền và Phạm Thị Thảo) khi đoạt tấm HCV thuyền nữ hạng nhẹ 4 mái chèo ở xứ vạn đảo mấy ngày trước.

Lương Thị Thảo (thứ 2 từ phải qua)
Ở Trung tâm đào tạo Minh Đức (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng), Thảo cùng các đàn chị phải sống trong cảnh chưa có chiếc máy lạnh nào được lắp, còn những chiếc quạt máy không thể nào xoa dịu được cái nóng như thiêu như đốt giữa tiết trời mùa hè oi ả. Dù thiếu thốn, thiệt thòi và gặp nhiều khó khăn nhưng họ vẫn nỗ lực để tập luyện và thi đấu vì thể thao nước nhà.

Quách Thị Lan: Người thế vai hoàn hảo

Khi nhà vô địch khu vực Nguyễn Thị Huyền rời đường đua, giới làm nghề lo sốt vó vì các cự ly 400m, 400m rào nữ và kể cả nội dung tiếp sức 4x400m nữ, trở nên hụt hẫng, khó mà bảo vệ được thành công của mình ở sân chơi quốc tế. Nhưng may mắn là Quách Thị Lan đã lên tiếng kịp thời, khẳng định mình là người thế vai hoàn hảo, đồng thời trở thành chỗ dựa thực sự cho không chỉ cho tổ chạy ngắn mà cho cả đội tuyển điền kinh quốc gia.

Quách Thị Lan (bìa phải)
Cô gái người Mường của xứ Thanh giành HCB 400m rào nữ, cùng các đồng đội Nguyễn Thị Oanh, Hoàng Thị Ngọc và Nguyễn Thị Hằng đoạt thêm HCĐ tiếp sức 4x400m nữ, đều mang ý nghĩa lịch sử, vì đây là lần đầu tiên điền kinh Việt Nam có được thành tích này ở Asiad.

Cả một giai đoạn trước đó, Quách Thị Lan đã sống dưới cái bóng của Nguyễn Thị Huyền, trồi sụt phong độ, dù cô được địa phương và ngành TDTT đầu tư rất nhiều kinh phí cho các chuyến tập huấn ở Mỹ, ở châu Á. Cái cảm giác dần bị quên lãng - như tâm sự của Lan, đã thôi thúc cô phải vùng dậy bước tiếp để làm rạng danh điền kinh Việt Nam.

Nguyễn Huy Hoàng: “Rái cá sông Gianh”

Điều ấn tượng nhất mà chàng trai 18 tuổi của vùng đất Quảng Bình tạo nên ở đấu trường Asiad 2018 chính là trở thành đối trọng đáng gờm của kình ngư số 1 thế giới và châu Á - Sun Yang (Trung Quốc) ở các cự ly bơi tự do trường sức (800m và 1.500m). Những cú tấn công tốc độ, đầy thách thức của Huy Hoàng đã khiến Sun Yang giật mình và không nghĩ kình ngư trong dáng vẻ thư sinh như Huy Hoàng lại có thể tranh chấp tấm HCV cự ly bơi tiêu tốn nhiều thể lực như 1.500m tự do nam.

Nguyễn Huy Hoàng
Chỉ suýt chút nữa, Huy Hoàng đã gây chấn động châu lục nếu đánh bại được Sun Yang từng đoạt HCV Olympic và chưa tìm được đối thủ xứng tầm ở châu Á, thế giới. Và suýt chút nữa, chàng trai của làng bơi lội Việt Nam đã có thể làm được điều giống như Joseph Schooling (Singapore) từng vượt qua huyền thoại Michael Phelps để chiến thắng ở Olympic 2016.

Nhưng dù chỉ giành HCB và trước đó là HCĐ cự ly 800m tự do nam, Huy Hoàng cũng đã giúp bơi lội Việt Nam lật sang trang mới trong hành trình tìm kiếm vinh quang ở Asiad - sự kiện thể thao mà trước giờ chúng ta chỉ ước một lần được chứng kiến các VĐV yêu quý của mình bước lên bục cao đón nhận những tấm huy chương, màu gì cũng quý.

Sống bên bờ sông Gianh, Huy Hoàng biết bơi từ lúc 3 tuổi, nhờ cha mẹ quanh năm suốt tháng ngoài lồng nuôi cá, nuôi tôm, dạy con bơi để chống đuối nước và khoẻ khoắn. Bơi từ bên này qua bên kia bờ sông Gianh với Huy Hoàng là chuyện nhỏ, thế cho nên khi bén duyên với bơi lội và dù thể hình không to lớn nhưng Huy Hoàng đã chọn các cự ly bơi 800m, 1.500m để theo đuổi. Để đến ngày hôm nay, bơi Việt Nam có được kình ngư đầu tiên giành HCB Asiad. Nhiều người khẳng định, tấm huy chương đó còn quý hơn cả vàng - mở ra một viễn cảnh tươi sáng không kém thời điểm Nguyễn Thị Ánh Viên tạo nên cú hích lịch sử cách đây 4 năm cũng ở đấu trường châu lục.

Tin cùng chuyên mục