Tết này con xa nhà

Còn 5 ngày nữa đến tết, nhưng không ít VĐV, đặc biệt là các kình ngư bơi lội phải xa nhà để bôn ba tập huấn nơi xứ người, nhằm chuẩn bị cho giải bơi lội hồ 25m thuộc Đại hội TDTT toàn quốc 2010 sẽ diễn ra vào đầu tháng 3 này. Tết của những người trẻ xa quê, kể ra cũng lắm nỗi niềm...
Tết này con xa nhà

Còn 5 ngày nữa đến tết, nhưng không ít VĐV, đặc biệt là các kình ngư bơi lội phải xa nhà để bôn ba tập huấn nơi xứ người, nhằm chuẩn bị cho giải bơi lội hồ 25m thuộc Đại hội TDTT toàn quốc 2010 sẽ diễn ra vào đầu tháng 3 này. Tết của những người trẻ xa quê, kể ra cũng lắm nỗi niềm...

  • Xuân này con không về 

Ngày 10-2 tới đây, HLV HLV Trần Duy Mỹ và 3 tay bơi nữ Nguyễn Thị Kim Tuyến, Trần Tâm Nguyện, Nguyễn Trần Bảo Nhi sẽ đến Trung Quốc trong chương trình tập huấn dài hạn dành cho VĐV trẻ triển vọng được khởi động từ hè năm 2009. Lúc đầu, đội tuyển bơi TPHCM không dự kiến sang Trung Quốc tập huấn vào thời điểm 4 ngày trước Tết thế này, mà đi từ tháng 1-2010.

Tết này con xa nhà ảnh 1

Thầy trò HLV Trần Duy Mỹ của đội bơi TPHCM trong chuyến tập huấn ở Hồ Bắc (Trung Quốc) hồi tháng 11-2009

Trước đó, bố mẹ Kim Tuyến đã lên kế hoạch cho cô về quê Quảng Ngãi thăm ông bà nội gần 90 tuổi, vì bà nội vừa qua trận bệnh hơn một tháng trước, vậy nhưng vì chuyến tập huấn nên kế hoạch đành lở dở. Bà Phạm Thị Tuyết Thu, mẹ của Kim Tuyến thổ lộ: “Cách đây vài hôm, tôi vừa đến CLB Yết Kiêu để đón con thì hết hồn khi thấy cháu và Tâm Nguyện ra khỏi phòng họp mà nước mắt chảy dài và trệu trạo báo tin: tụi con đi Trung Quốc tập huấn ngày 27 tết”...

Thế là gia đình của 3 tiểu ngư này đã chuẩn bị kế hoạch cho việc “ăn tết sớm” cho các cô con gái cưng khi lần đầu tiên xa nhà ngay đầu năm như thế này, đó là chưa kể Kim Tuyến và Tâm Nguyện (sinh năm 1994), Hạnh Nhi (sinh năm 1995) đều con út trong gia đình, nên để các em ăn tết xa nhà khiến các phụ huynh đều rất xót xa. Hỏi các tiểu ngư, xa nhà thì nhớ ai và nhớ điều gì nhất? Cả ba đồng thanh: “Nhớ ba mẹ, nhớ bao lì xì, và thức ăn mẹ nấu nhất”.

Vì vậy, trong tuần cuối trước khi “xuất hành”, mẹ của Kim Tuyến đã tranh thủ nấu cho cô những món ăn quen thuộc của ngày tết như thịt kho hột vịt, còn Tâm Nguyện thì kịp dự bữa cơm cúng 49 ngày mất của ông xong là hôm sau lên đường...

HLV Trần Duy Mỹ từng là cựu tuyển thủ quốc gia, nên rất thấm thía chuyện xa nhà dịp xuân về như lúc tập huấn gần 2 năm liền ở Hungary dạo nào, vì thế anh bày tỏ: “Những ngày đầu các em khi gia nhập hàng ngũ VĐV chuyên nghiệp, tôi đã khơi gợi cho các em niềm đam mê đối với bơi lội để đến lúc phải tập trung vào tập luyện đỉnh cao thì các em hiểu đâu là việc cần làm, chứ không nghĩ ngợi nặng nề là hy sinh hay mất mát gì quá mức trong cuộc sống riêng tư”.

Vì vậy, gần 8 năm nay là HLV đội tuyển bơi TPHCM, HLV Trần Duy Mỹ đều cho VĐV làm quen với việc nghỉ bơi 2 ngày mỗi dịp tết, nghỉ từ trưa 30 rồi tập trở lại vào mùng 2 tết.

  • Phút giao thừa lặng lẽ 

Từ năm 2003 đến nay, hễ năm nào có SEA Games là kỷ lục gia SEA Games 25 Nguyễn Hữu Việt cầm chắc chuyện “xuân này con không về”, bởi phải tập luyện dài hạn ở Trung Quốc.

Đầu năm 2009 đến nay, HLV trưởng ĐTQG bơi Đặng Anh Tuấn và Hữu Việt chỉ có 10 ngày cuối tháng 12-2009 được thả lỏng bằng chuyến dã ngoại Vũng Tàu, sau đó họ lại vội vã trở lại Trung Quốc “luyện công” từ tháng 1-2010, dù năm nay không có SEA Games, nhưng lại có Asian Games. Vì thế, tết này là cái tết thứ ba HLV Đặng Anh Tuấn đón xuân nơi xứ lạ, Hữu Việt thì nhiều lần hơn, nên thầy trò họ đều nói rằng: “Chuyện xa nhà đã thành nếp, nên chúng tôi không thấy nặng nề chi đâu”.

Để có được chiếc HCV lấp lánh ở 3 kỳ SEA Games liên tiếp, kình ngư Nguyễn Hữu Việt cùng các đồng đội đã phải trải qua rất nhiều cái tết xa nhà.
Để có được chiếc HCV lấp lánh ở 3 kỳ SEA Games liên tiếp, kình ngư Nguyễn Hữu Việt cùng các đồng đội đã phải trải qua rất nhiều cái tết xa nhà.

Nói vậy thôi, nhưng nỗi nhớ nhà có lúc nào không âm ỉ trong lòng họ, như tuyển thủ Nguyễn Thanh Hải kể lại trong chuyến tập huấn năm 2009: “Đêm giao thừa, thầy trò chúng em ngồi ở trong phòng mở kênh VTV4 xem ở nhà đón tết ra sao, rồi nghe tiếng pháo giao thừa (Trung Quốc vẫn còn đốt pháo) mà tất cả cứ lặng đi trong những cảm xúc. Nói thật, là con trai, nhưng bọn em cũng không cầm được nước mắt ở thời khắc ấy. Nhớ nhà lắm anh ạ!”.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thảo Nhung, mẹ của tuyển thủ Hữu Việt kể: “Cháu ở Trung Quốc mà hầu như tuần nào cũng điện thoại về nhà và dặn tôi “mỗi thứ Tư con tập nhẹ nên mẹ dành thời gian online trò chuyện với con nhé”. Tết nào không ở nhà thì cháu đều điện thoại chúc tết ông bà, bố mẹ lúc giao thừa, lần nào cháu cũng chúc tôi trẻ đẹp mãi, nghe thương lắm”.

Gia đình Hữu Việt sống theo nếp tam đại đồng đường, ngày đầu năm mới là gia đình quây quần để mừng tuổi nhau. SEA Games 24, lúc Việt sắp thi đấu thì ông nội mất, cả nhà không dám báo tin ngay vì sợ ảnh hưởng đến việc thi đấu của anh. Sau đó biết tin, Việt buồn và trách mọi người mãi...

Năm nay, lại thêm một cái tết mà thầy trò đội tuyển bơi lội Việt Nam lại phải xa nhà để ấp ủ và chuẩn bị cho những thành quả cao hơn và xa hơn của bơi lội Việt Nam. Ngoài ra, tết này, các kình ngư của đội bơi Quân đội, An Giang, Đà Nẵng cũng chấp nhận ăn tết ở Trung Quốc để chuẩn bị cho đại hội TDTT toàn quốc bắt đầu bằng giải vô địch quốc gia hồ 25m vào tháng 3-2010.

Để có được những chiếc huy chương lấp lánh, để có được nụ cười rạng rỡ khi nhìn quốc kỳ và khúc Tiến quân ca cất lên hào hùng trên các thao trường quốc tế, trong đó có những cái tết xa nhà như thế đấy.

THỤC OANH

Tin cùng chuyên mục