Tấm áo chuyên nghiệp

Trong số những môn thể thao ngoài bóng đá, giới làm nghề đã đặt rất nhiều kỳ vọng vào bóng rổ, võ thuật, bóng chuyền, quần vợt, xe đạp hay billiards cho giấc mơ vươn tới chuyên nghiệp. Thế nhưng đến giờ, chỉ một vài trong số đó chịu dấn mình bước tiếp, số còn lại tự thả mình cho “dòng đời xô đẩy”…

Tin vào bóng rổ và võ thuật

Sau V-League của bóng đá, có lẽ bóng rổ là môn duy nhất đến nay đã định hình được một giải đấu có tính chuyên nghiệp, tức là “sân khấu” VBA (Giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam) hội tụ khá nhiều yếu tố để trở thành phiên bản NBA (Giải bóng rổ nhà nghề Mỹ) trong tương lai. 6 đội bóng được các doanh nghiệp và ngành thể thao địa phương chung sức đầu tư, đặt ra những chuẩn mực cần thiết về luật chơi, định hướng phát triển, đang tạo dựng được niềm tin nơi giới làm nghề, ngày càng chứng tỏ sức lan tỏa ra cộng đồng.

Ông Đặng Hà Việt (Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam) tiết lộ: “Hiện 63 tỉnh thành đều xây dựng được CLB bóng rổ và giải thi đấu không chuyên. Liên đoàn lấy làm mừng khi chương trình bóng rổ học đường đào tạo được vài ngàn giáo viên có thể dạy bóng rổ ở cấp độ cơ bản. Ở cấp độ đội tuyển, bóng rổ nam đã giành được huy chương SEA Games tại 2 nội dung 3x3 và 5x5”.

Tấm áo chuyên nghiệp ảnh 1 Bóng rổ Việt Nam tự tin hướng lên chuyên nghiệp. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Nhưng điều quan trọng hơn, theo ông Đặng Hà Việt, NBA đã đánh giá rằng Việt Nam có tốc độ phát triển bóng rổ nhanh nhất khu vực, hiện có khoảng 18 triệu người tham gia tập luyện, thi đấu và xem bóng rổ. Chưa kể, số lượng VĐV Việt kiều từng tập luyện và thi đấu chuyên nghiệp ở châu Âu, Mỹ đang có xu hướng chọn về khoác áo các đội bóng Việt Nam, chơi ở giải VBA và thậm chí đặt mục tiêu tìm được chỗ đứng trong đội tuyển quốc gia dự những giải đấu quốc tế.

Tiềm năng của bóng rổ rõ ràng đang được khai phá và nâng tầm theo thời gian, mà theo nhận định của chính giới làm nghề, tương lai sẽ rất tươi sáng khi nguồn lực từ học đường được tận dụng tối đa và sức hút của môn chơi này đang kéo những VĐV chuyên nghiệp ở các giải NBA, châu Âu xích lại gần với sự phát triển của bóng rổ Việt Nam.

Tương tự như vậy, võ thuật (quyền Anh, Muay Thái, tán thủ…) thời gian gần đây bắt đầu nhộn nhịp với các hình thức thi đấu võ đài nghiệp dư và bán chuyên nghiệp đang phát triển rầm rộ trên khắp thế giới. Sau khi Liên đoàn Võ thuật tổng hợp Việt Nam (VMMAF) được ra đời trong năm 2020, tốc độ phát triển theo hướng chuyên nghiệp của các môn võ (vốn là thế mạnh của thể thao Việt Nam) sẽ càng dữ dội hơn.

Chưa hết, sự kiện võ sĩ vô địch hạng siêu trung (WBA) Trương Đình Hoàng cùng 14 võ sĩ Việt Nam khác như: Martin Nguyễn (vô địch MMA One Championship hạng lông), Nguyễn Kế Nhơn (vô địch WBC Muay Thái 2018 hạng 52kg), Nguyễn Ngọc Hải (quyền Anh, hạng 63,5kg), Lê Hữu Toàn (quyền Anh hạng 48kg), Trương Cao Minh Phát (Muay Thái hạng 60kg), Huỳnh Hoàng Phi (Muay Thái hạng 57kg), Vũ Trường Giang (Kick-boxing, hạng 67kg), võ sĩ gốc Việt Andy Lê (MMA, hạng nhẹ)… được Shadow Entertainment (hoạt động trong các lĩnh vực quản lý, đào tạo võ sĩ và tổ chức sự kiện võ thuật) ký hợp đồng quản lý, giúp các võ sĩ yên tâm hơn với sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp của mình, đồng thời góp phần xây dựng và phát triển hệ sinh thái võ thuật chuyên nghiệp tại Việt Nam.

Vì sao bóng chuyền lận đận?

Ở làng bóng chuyền Việt Nam lúc này, thực tế chỉ có duy nhất một đội bóng được cho là đã doanh nghiệp hóa 100% là Ngân hàng Công thương, số còn lại phụ thuộc vào chiến lược đầu tư và phát triển của địa phương, kết hợp với sự hậu thuẫn của một số doanh nghiệp, mạnh thường quân. Cho nên, dù từng được kỳ vọng sẽ chuyển mình lên chuyên nghiệp sau khi “đầu tàu” bóng đá lĩnh ấn tiên phong, bóng chuyền ngày càng cho thấy sự thụt lùi về định hướng và rất chậm so với các nền bóng chuyền trong khu vực Đông Nam Á.

Là môn chơi tập thể, sở hữu VĐV có thể hình đẹp (chiều cao trung bình trên 1m85 đối với nam và 1m75 đối với nữ), thế nhưng bóng chuyền thực chất vẫn chủ yếu sống dựa vào nguồn ngân sách của địa phương (TPHCM, Long An, Thái Bình, Quảng Ninh, Hà Nội, Thanh Hóa, Vĩnh Long, Hải Dương, Bến Tre), chỉ một vài đội bóng được đầu tư theo phương thức doanh nghiệp và địa phương cùng làm (VTV Bình Điền Long An, S.Khánh Hòa, Hóa chất Đức Giang Hà Nội, Kinh Bắc Bắc Ninh), hoặc làm kiểu đặc thù như Thông tin LVPB, Thể Công, Biên phòng, Công an TPHCM…

Tấm áo chuyên nghiệp ảnh 2 Bóng chuyền lận đận với giấc mơ lên chuyên. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Từng có lúc bóng chuyền phát triển rầm rộ, có ngoại binh góp mặt và hệ thống giải đấu dày đặc, nhiều doanh nghiệp đổ xô vào đầu tư, tạo đà cho các đội bóng rèn luyện VĐV trẻ, nâng cao trình độ cho VĐV đã định hình tên tuổi vì được thi đấu nhiều. Tuy nhiên, giai đoạn “bong bóng” đó mau chóng vỡ tan vì tính chủ động của cả nền bóng chuyền không có, tư duy làm việc thời vụ vẫn tồn tại, và đáng tiếc là vai trò mờ nhạt của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam trong hơn 10 năm qua đã góp phần xóa đi giấc mơ chuyên nghiệp mà nhiều người tâm huyết từng gắng sức gây dựng nên.

Năm 2011, khi thành lập đội Sài Gòn Heat tham dự Giải nhà nghề Đông Nam Á, Tập đoàn XLE đã mang theo một mô hình kinh doanh mới mẻ là thể thao - giải trí vào Việt Nam. Tức là kinh doanh bóng rổ theo mô hình chuyên nghiệp của Mỹ, nghĩa là kết hợp giữa tính giải trí và tinh thần thể thao, nhắm đến số đông khán giả, chứ không chỉ tập trung vào những người vốn sẵn hiểu biết về bóng rổ. Và cũng chính họ đặt nền móng cho giải VBA.

Hiện nay, giải bóng rổ hay nhất thế giới NBA đứng thứ 4 trên thế giới về doanh thu (năm 2018 đạt dưới 5 tỷ USD, năm 2019 đạt trên 5 tỷ USD) và 70% doanh thu đến từ bản quyền truyền hình (30% còn lại đến từ quảng cáo, bán vé, bán thức ăn, thức uống, giữ xe, đồ lưu niệm…).

Tin cùng chuyên mục