Trưa 25-9, rowing Việt Nam giành thêm hai tấm HCĐ. Một trong những kết quả trên thuộc về đội thuyền bốn nữ hạng nặng hai mái chèo và đội hình ấy có tay chèo kì cựu Phạm Thị Thảo. Cái tên Phạm Thị Thảo đã quá quen thuộc ở đội tuyển đua thuyền rowing Việt Nam bởi xuyên suốt hành trình từ khi thi đấu chuyên nghiệp, tay chèo người quê gốc Thái Bình này đã có cho mình bốn lần dự ASIAD. Về quãng thời gian, đó là 16 năm tham dự đủ những kì thi đấu quan trọng nhất của Đại hội thể thao châu Á mà không phải VĐV nào cũng được như vậy.
ASIAD năm 2010 tại Quảng Châu (Trung Quốc) là lần đầu Phạm Thị Thảo được góp mặt đấu trường này. Khi đó, Thảo cùng đồng đội Phạm Thị Huệ (năm nay cũng dự ASIAD 19) giành tấm HCB thuyền đôi nữ hai mái chèo đầy bất ngờ trong cảm xúc vỡ òa của người làm chuyên môn. Bốn năm sau, cô tiếp tục dự ASIAD năm 2014 tại Incheon (Hàn Quốc) và một lần nữa giành 2 HCĐ trong nội dung thuyền bốn nữ hai mái chèo và thuyền bốn nữ hạng nhẹ. Tới ASIAD 18 năm 2018 tại Indonesia, tay chèo này là một trong bốn thành viên của đội thuyền bốn nữ hạng nhẹ giành HCV. Khi đó, ngay tại Palembang (Indonesia), Phạm Thị Thảo đã khóc trong sự hạnh phúc của sự nghiệp đua thuyền của mình và cô đã trần tình rằng thời gian tập luyện của mình rất xáo trộn do mới sinh em bé cũng như con nhỏ nên cần nhiều thời gian hơn chăm sóc. Tuy nhiên, tấm HCV đã là thành quả ghi nhận nỗ lực của mình cùng đồng đội.
Trưa 25-9 tại Hàng Châu (Trung Quốc), Phạm Thị Thảo đã xúc động trải lòng “đây là kì ASIAD thứ tư trong sự nghiệp của tôi. Trước hết tôi xin cảm ơn cấp lãnh đạo, ban huấn luyện và bộ môn đua thuyền đã luôn động viên tôi có một tinh thần tốt nhất để tiếp tục tập luyện thi đấu. Đã có lúc tôi tưởng như gục ngã nhưng mình lại đứng lại để quyết tâm hơn nhờ sự động viên của bạn bè, các HLV. Với tôi, gia đình có ý nghĩa quan trọng. Hai con của mình còn nhỏ đang ở nhà, được ông xã chăm sóc còn mình rất nỗ lực để quyết tâm thi đấu. Trong sự chuẩn bị với ASIAD 19, khi được biết chúng tôi không có nội dung thuyền nhẹ nên đã rất suy nghĩ bởi thi đấu thuyền nặng là khác biệt. Dù thế, tôi cùng các đồng đội trong đội thuyền cùng chỉ bảo nhau, quyết tâm qua mọi lúc khó khăn, lúc nản lòng và kể cả khi thi đấu giành thành tích. Tấm HCĐ lần này tại ASIAD 19 có ý nghĩa đáng kể với tôi. Nếu chúng tôi giành được kết quả cao hơn nữa là thành công nhưng với mỗi tấm huy chương đều là nỗ lực ở từng người”.
Ngay tại bục nhận huy chương ở ASIAD 19, người đồng đội Bùi Thị Thu Hiền trong đội thuyền bốn nữ hạng nặng hai mái chèo tiết lộ “chị Thảo chính là HLV của tôi đấy. Hai thầy trò cùng thi đấu và giành HCĐ ASIAD 19 lần này”. Hóa ra, trong thời gian Bùi Thị Hiền bắt đầu lên đội tuyển tập luyện thì đàn chị Phạm Thị Thảo là người đầu tiên hướng dẫn huấn luyện để rồi bây giờ, cả hai người họ chung trên một chiếc thuyền thi đấu, giành thành tích tại Hàng Châu (Trung Quốc).
Có thành tích HCĐ tại ASIAD 19, Phạm Thị Thảo bảo rằng mình dành tặng gia đình và đặc biệt là người chồng thân yêu là hậu phương vững chắc luôn ủng hộ vợ trong tập luyện thi đấu thể thao. Tuy nhiên, lãnh đạo bộ môn đua thuyền và Liên đoàn đua thuyền Việt Nam cho biết ASIAD 19 chưa phải là điểm đích cuối bởi chúng ta còn nhiệm vụ với Olympic năm 2024. “Ngay sau ASIAD 19, các tuyển thủ sẽ tiếp tục chuẩn bị chuyên môn để ngay đầu năm 2024 sẽ dự vòng loại tranh suất trực tiếp dự Olympic ở Pháp. Chúng tôi rất hy vọng các em tiếp tục giành được suất chính thức dự Olympic cho đua thuyền Việt Nam”, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư kí Liên đoàn đua thuyền Việt Nam – ông Nguyễn Hải Đường cho biết ngay tại Hàng Châu (Trung Quốc).
Thật vui bởi ngay ngày mai 26-9, những tay chèo rowing giành huy chương cho thể thao Việt Nam tại ASIAD 19 này sẽ có mặt ở quê nhà, chung vui cùng người thân.