- Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về công tác chuẩn bị chuyên môn của các đội tuyển quốc gia?
- Ông Đặng Hà Việt: Đoàn thể thao Việt Nam dự Asiad 19 với 504 thành viên. Thể thao Việt Nam phân tách 3 nhóm môn chuẩn bị, gồm nhóm có khả năng cao đạt HCV, nhóm có khả năng tranh chấp HCB, HCĐ và phấn đấu có thành tích cao hơn, nhóm cuối gồm các môn tham dự bằng nguồn xã hội hóa. Các môn như bóng đá, bóng chuyền của Việt Nam tham dự với mục tiêu giành kết quả tốt nhất. Đây là những môn quan trọng, được xã hội quan tâm. Các môn bóng đá, bóng chuyền tham dự Asiad 19 để nâng cao trình độ, hướng tới mục tiêu cao hơn trong những kỳ đại hội tiếp tới; trong khi các môn bóng mềm, thể thao điện tử dự Asiad 19 để thêm cơ hội cho chúng ta hội nhập với thể thao châu Á. Thể thao Việt Nam luôn tham gia các hoạt động của cộng đồng thể thao châu lục và hướng tới việc đưa môn võ Vovinam vào chương trình thi đấu Asiad trong tương lai gần, sau khi nhận được sự ủng hộ từ các quốc gia châu Á.
- Vì sao Đoàn thể thao Việt Nam chỉ đặt mục tiêu giành từ 2-5 HCV, mà không phải cột mốc cao hơn?
- Mới nhìn vào chỉ tiêu, nhiều người thấy biên độ dao động tương đối lớn. Nhưng với Asiad 19, chúng tôi có sự chuẩn bị và có các dự báo, phân tích kỹ trong chuyên môn để thấy biên độ này sẽ không quá lớn. Asiad là đấu trường lớn nhất của thể thao châu Á, hội tụ các VĐV giỏi nhất và có nhiều cường quốc về kinh tế của châu lục cử thành viên tham gia thi đấu, nên tính cạnh tranh rất khốc liệt.
Hiện tại, thể thao Việt Nam chỉ được xem là mạnh ở khu vực Đông Nam Á. Còn tại Asiad, Việt Nam vẫn còn khoảng cách so với các nền thể thao hàng đầu, chẳng hạn các môn có tính chính xác như bắn cung, bắn súng. Đối với các môn đối kháng như võ thuật, trình độ của chúng ta chưa hơn hẳn các quốc gia tại châu Á nên cơ hội chiến thắng chỉ là 50-50. Ở những môn phải “cân đong đo đếm” chỉ số cụ thể như điền kinh, bơi lội, đua thuyền thì chúng ta tính được về thời gian. Nhìn tổng thể, chúng tôi đưa ra biên độ phấn đấu giành từ 2-5 HCV là hợp lý.
- Theo ông, chúng ta có bao nhiêu tuyển thủ có thể tạo nên bất ngờ về thành tích tại Asiad 19?
- Thể thao Việt Nam có nhiều tuyển thủ có thể làm nên bất ngờ. Chúng tôi kỳ vọng ở tuyển thủ nhóm các môn võ thuật, do khả năng tạo được bất ngờ ở những môn này rất cao. Thi đấu về công suất, sự chính xác chỉ số giây, mét... là khó có sự bất ngờ bởi thành tích VĐV phải tích lũy, chuẩn bị qua một quá trình, được định lượng tương đối rõ ràng. Với nội dung cần sự chính xác, chúng tôi kỳ vọng xạ thủ Trịnh Thu Vinh của môn bắn súng. Môn bắn cung, chúng ta đang có chuyên gia Hàn Quốc trình độ cao đã và đang huấn luyện giúp cung thủ đạt được trình độ tốt hơn để chờ đợi thành tích cao.
- Vậy thể thao Việt Nam có đặt chỉ tiêu cụ thể đối với các môn thuộc nhóm Olympic ở Asiad 19 hay không, thưa ông?
- Đến hiện tại, ngành TDTT chỉ đặt ra mục tiêu cho đội tuyển quyền Anh. Đối với các môn điền kinh, bơi lội thì chúng tôi hy vọng các tuyển thủ sẽ nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ kép là thi đấu đạt thành tích Asiad và có thể vượt chuẩn Olympic tham dự Olympic Paris (Pháp) 2024.
- Ông có thể thông tin thêm về công tác phòng chống doping của Đoàn thể thao Việt Nam tại Asiad 19?
- Ngành TDTT và Trung tâm Doping và Y học thể thao luôn phối hợp cùng các Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia để cập nhật danh mục các chất cấm trong thi đấu, cập nhật kiến thức và cách phòng chống doping. Asiad 19 là đại hội “nói không với doping”. Tổ chức phòng, chống doping thế giới WADA đã yêu cầu các quốc gia tham dự Asiad 19 phải tổ chức chương trình giáo dục về phòng chống doping và VĐV phải đạt chứng chỉ ADEL (Anti-Doping Education and Learning Platform). Các tuyển thủ của thể thao Việt Nam đã được tham dự các lớp này và hiểu được các nguy cơ về doping để có sự tự giác, có kiến thức và có hiểu biết hơn trong nỗ lực tự bảo vệ mình.