
1. Thế là Arsenal đã để rụng thêm một mục tiêu nữa cho “cú ăn tư” sau khi bị Barcelona đánh bại trên sân Nou Camp với tỷ số 3-1. Thua trước Barcelona, nhất là ngay tại thánh địa của đối phương, là điều không có gì phải hổ thẹn. Ngay cả Inter Milan của HLV Mourinho, vô địch Champions League mùa trước, cũng bị Barcelona quần cho tơi tả và cuối cùng chịu khuất phục với tỷ số 0-1 trước thầy trò Guardiola tại Nou Camp đó thôi.
Nếu có điều gì cần nói trong trận đại bại này của Arsenal thì đó chính là việc họ đã bị tỷ số 2-1 ở trận lượt đi “gài bẫy” như thế nào. Thà thắng 3-1 trong trận lượt đi như Inter Milan mùa trước là một nhẽ. Với 2 bàn thắng cách biệt, Mourinho không cần phải mátxa đầu óc quá nhiều để chọn cho mình một chiến thuật tối ưu ở trận lượt về: vị huấn luyện viên người Bồ đã không ngại ngần triển khai lối bóng đá phòng ngự triệt để đến mức người xem có cảm tưởng ông đã mang theo cái tháp Pisa nổi tiếng của Ý đặt ngay trước khung thành Julio Cesar. Nhưng ngay cả khi chấp nhận lối chơi tử thủ toàn diện, thầy trò Mourinho vẫn bị Barcelona sút thủng lưới một bàn. Rất may, thất bại nhẹ nhàng đó vẫn giúp họ đi tiếp và sau đó trở thành nhà vô địch châu Âu.

HLV Arsene Wenger
2. Trước khi trận lượt về diễn ra trên sân của Barcelona, HLV Arsene Wenger (ảnh) tuyên bố các học trò của ông sẽ chọn lối đá tấn công. Ông bảo thầy trò ông tới sân Nou Camp không phải để kiếm một trận hòa. Wenger nhấn mạnh “Phòng ngự không phải là phong cách của Arsenal”. Chỗ này thì Wenger nói đúng. Xưa nay, Arsenal luôn chơi thứ bóng đá tấn công mỹ miều, đề cao tính phục vụ - là một tín đồ đáng ngả nón của bóng đá duy mỹ.
Khi Wenger tự tin tuyên bố như vậy, tôi tin là ông nói thật. Nhưng phàm ở đời, từ lời nói đến hành động bao giờ cũng có khoảng cách, đặc biệt “tấn công Barcelona ngay tại thánh địa Nou Camp” luôn được giới quan sát đánh giá là mạo hiểm không kém gì hành động bắt cọp bằng tay không, và trên thực tế thì chưa đội bóng nào trên thế giới dám thử làm.
Hiển nhiên, chúng ta có thể tin Wenger đang muốn trở thành người đầu tiên thử làm chuyện kinh khủng đó, cũng như có thể tin “biến những điều không thể thành có thể” là khát khao cháy bỏng của những đầu óc thích phiêu lưu. Nhưng rốt cuộc, có hai lý do để Wenger trở thành người phản bội lại chính mình. Trước hết, hoàn toàn khác với mặt trận tại sân Emirates cách đó 3 tuần, Barcelona đang ở thế bị dồn vào chân tường đã quyết tâm không để Arsenal tái diễn lại những gì đã xảy ra ở trận lượt đi. Tất nhiên, khi một đội bóng có khả năng kiểm soát bóng thượng thặng như Barcelona quyết biến cuộc đụng độ trên sân nhà thành trận đấu một chiều thì hầu như đối phương không còn cơ hội.
3. Cụm từ “không còn cơ hội” là một cách nói nhằm chỉ sự vô vọng. Nhưng ở trận đấu rạng sáng thứ tư vừa rồi, Arsenal đã định nghĩa cụm từ này theo nghĩa đen hoàn toàn: Họ không những không ghi được bàn thắng nào (cả 4 bàn thắng đều do cầu thủ Barcelona thực hiện - trong đó có 1 bàn phản lưới nhà của Busquets) mà thậm chí trong suốt trận đấu các học trò của Wenger cũng không sút được một quả nào (trong khi Barcelona tung ra đến 19 cú sút) - điều có lẽ chưa từng có tiền lệ trong lịch sử tồn tại của Arsenal.
Sau trận đấu, thầy trò Wenger đổi lỗi cho trọng tài Massimo Busacca về chiếc thẻ đỏ của Van Persie. Nhưng trên thực tế khi Barcelona kiểm soát bóng tới 70% (so với 30% của Arsenal), thực hiện thành công 738 đường chuyền (so với 199 của Arsenal) và không cho Arsenal có cơ hội nào thực hiện được 3 đường chuyền liên tiếp thì sự thất bại của Arsenal trong trận đấu đó là điều hiển nhiên, dù Van Persie có bị đuổi khỏi sân hay không.
Ngoài sự chênh lệch về đẳng cấp, tỷ số thắng 2-1 ở trận lượt đi cũng khiến thầy trò Wenger lúng túng trong hành xử. Thông thường, trong trường hợp này, các huấn luyện viên trên thế giới đều chọn phương án phòng ngự để tìm một tỷ số hòa có lợi. Nhưng trước hàng tấn công nguyên tử của Barcelona, phòng ngự có nghĩa là tự sát (chỉ cần thua Barcelona với tỷ số 0-1, Arsenal sẽ bị loại). Nhưng tấn công Barcelona thì còn dễ chết... hơn cả tự sát. Đến đây, Wenger rơi vào tình huống của Tào Tháo khi bị kẹt ở Tà Cốc, tiến không được mà thoái cũng không xong. Thiên hướng tự nhiên của Arsenal là tấn công nhưng phản ứng tâm lý trong tình huống này lại muốn cố thủ. Giữa cái xấu ít (phòng ngự triệt để) và xấu nhiều (tấn công để bị hở sườn), thầy trò Wenger chọn vế đầu cũng là điều dễ hiểu. Khổ nỗi, Arsenal chưa bao giờ giỏi về phòng ngự. Thực tế 90 phút trên sân Nou Camp đã chỉ rõ: Hầu hết thời gian các học trò Wenger đều tập trung trên sân nhà, nhưng hàng phòng ngự nhiều tầng đó vẫn bị các mũi nhọn của Barcelona làm cho thủng lỗ chỗ. Nếu Messi, Pedro, đặc biệt là David Villa không bỏ lỡ quá nhiều cơ hội thì số bàn thắng của Barca đã có thể lên đến hai chữ số.
4. Cuối cùng, cần nói đôi dòng về thầy trò Guardiola. Với lối chơi đẹp mắt và hiệu quả nhất hành tinh của Barcelona, có lẽ mọi từ ngữ để khen họ đều thừa. Chỉ cần nhắc đến hai khoảnh khắc đáng nhớ của trận đấu: Pha ghi bàn ngoạn mục gần như không tưởng của Messi ở phút bù giờ thứ 3 của hiệp một và cú “nã đại bác” khủng khiếp của Daniel Alves khiến thủ môn Szczesny bị chấn thương bàn tay khi bắt bóng. Kết luận: Trong một ngày Messi chơi bóng đầy cảm hứng, ngăn chặn anh ghi bàn là nhiệm vụ bất khả thi. Thứ hai, để ngăn chặn Barcelona ghi bàn, đôi khi cần phải “hy sinh thân mình” theo nghĩa đen. Như Szczesny đã thể hiện. Vậy mà toàn cục cũng có cứu vãn được gì đâu!
Chu Đình Ngạn