Nhìn từ ASIAD 19: Mục tiêu nào của thể thao chúng ta ?

Thể thao Việt Nam thành công hay không thành công từ kết quả thi đấu tại Đại hội thể thao châu Á lần thứ 19 (ASIAD 19) đã và đang được phân tích đáng kể từ giới chuyên môn hay nhà quản lý và cả công luận. Trên hết, chúng ta vẫn chờ đợi một mục tiêu cụ thể về chiến lược của thể thao Việt Nam thì sẽ hiểu rõ được kết quả thi đấu là thành công hay chưa.
Thể thao Việt Nam sẽ phải tìm ra mục tiêu cụ thể của mình từ sau ASIAD 19 nhằm có hướng đầu tư chính xác. Ảnh: LƯỢNG LƯỢNG
Thể thao Việt Nam sẽ phải tìm ra mục tiêu cụ thể của mình từ sau ASIAD 19 nhằm có hướng đầu tư chính xác. Ảnh: LƯỢNG LƯỢNG

Cục trưởng Cục TDTT đồng thời là Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD 19 – ông Đặng Hà Việt đã đánh giá về thành tích của Đoàn thể thao Việt Nam nói chung ngay sau khi Đại hội khép lại “về chuyên môn, kết thúc ASIAD 19, Đoàn thể thao Việt Nam đã đạt 3 HCV, 5 HCB, 19 HCĐ. Đoàn đã hoàn thành chỉ tiêu so với mục tiêu đề ra là giành từ 2 tới 5 HCV. Điều chúng tôi hài lòng là các VĐV đã nỗ lực thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo của tổ quốc, trong đó có những môn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ như đội tuyển bắn súng, cầu mây: mỗi đội đạt 1 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ; đội karate đạt 1 HCV, 1 HCB, 2 HCĐ. Nhiều môn thể thao tuy không đạt được huy chương vàng như TDDC, bắn cung, bóng chuyền... nhưng VĐV đã thể hiện sự tiến bộ vượt bậc trong các gương mặt trẻ”.

Năm 2013, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển TDTT tới năm 2020 định hướng tới năm 2023 cũng đã ghi rõ mục tiêu về thành tích cao tại các đấu trường mà chúng ta cần hướng tới. “Đối với Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games) thì tại năm 2012 đạt từ 70 tới 90 HCV xếp hạng từ 2 tới 3 toàn đoàn; các năm 2015, 2017, 2019 xếp hạng từ 1 tới 3 toàn đoàn; giai đoạn 2020-2030 phấn đấu xếp hạng 1 tới 2 toàn đoàn. Đối với đấu trường ASIAD: năm 2014 phấn đấu giành từ 2 tới 3 HCV xếp hạng từ 15 tới 20 toàn đoàn; năm 2018 đạt từ 10 tới 15 HCV, xếp hạng 10 tới 15 toàn đoàn; giai đoạn 2020-2030 phấn đấu xếp hạng trong nhóm 10 quốc gia ở châu lục. Đối với thế vận hội Olympic, năm 2016 có 30-40 VĐV tham dự, đạt từ 1 tới 2 huy chương; giai đoạn 2020-2030 có 30-50 VĐV tham dự, đạt trên 2 huy chương, phấn đấu có HCV...”, Quy hoạch ghi rõ. Sau 20 năm, bây giờ, qua các Đại hội mà thể thao Việt Nam tham dự như kể trên, chúng ta đã thấy được thành tích và kết quả cụ thể.

Ở từng chi tiết các đấu trường đó, thể thao Việt Nam đều đưa ra những con số, mốc chỉ tiêu theo Quy hoạch. Tuy vậy, như chuyên gia thể thao Nguyễn Hồng Minh (nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao 1 – Tổng cục TDTT), phần nào đó thể thao Việt Nam gặp khó khăn do không xác định mục tiêu cụ thể để tập trung đầu tư mà thay vào với nhiều nhiệm vụ thì đầu tư trở thành dàn trải. “Chúng ta chưa xác định mục tiêu cụ thể sẽ chỉ tập trung cho một đấu trường quan trọng là ASIAD hay Olympic trong khi vẫn dồn sức quá nhiều vào SEA Games. Đấu trường SEA Games là nơi thi đấu ở khu vực chắc chắn không thể bỏ được nhưng khi muốn vươn tới thành tích cao hơn ở châu lục hay thế giới thì thể thao Việt Nam cần phải có chiến lược cụ thể tập trung đầu tư nhân lực, nguồn lực vào ASIAD hay Olympic từ đó sẽ tinh gọn được VĐV, nội dung và môn vừa đủ để có chất lượng ra tranh tài là đạt kết quả cao nhất. Thành tích ở những tấm huy chương tại các kì ASIAD, Olympic đã qua và ở ASIAD 19 lần này luôn là nỗ lực và điều đáng trân trọng từ sự cống hiến của các HLV, VĐV và ngành thể thao. Nhưng, đã tới lúc, chúng ta phải có mục tiêu cụ thể, đầu tư chính xác để nâng cao hơn vị thế”, chuyên gia Nguyễn Hồng Minh bày tỏ.

Đó cũng là một ý kiến cần được lưu tâm. Thực tế, nhà quản lý thể thao tại Cục TDTT hiểu rõ điều này. Tuy nhiên, làm sao để thực hiện các sự đầu tư có mục tiêu không dàn trải là điều không dễ. Bởi lẽ, chúng ta bị gánh nặng từ căn bệnh thành tích. Đó là, mỗi kì thi đấu cấp Đại hội thì tất cả đều ngóng chờ vào thành tích cao nhất. Nhân lực (HLV, VĐV) và nguồn kinh phí đầu tư chỉ vừa đủ, song hành phải dự nhiều đấu trường để giành huy chương nên bài toán không dễ giải. Hiện tại, thể thao Việt Nam chưa thực hiện được như nhiều quốc gia trong Đông Nam Á (gồm Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines) là với một số tuyển thủ thể thao tiêu biểu của mình sẽ được bỏ qua tranh tài SEA Games mà chỉ tập trung cho các giải thế giới, ASIAD cũng như tranh suất Olympic và hiện thực giấc mơ huy chương Olympic.

Cục TDTT đã xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển TDTT tới năm 2030 tầm nhìn tới năm 2045 và đã trình Bộ VH-TT-DL qua đó trình Chính phủ xem xét phê duyệt. Ở đó, dự thảo các môn được phân ra theo nhóm đầu tư với nhóm 1 (các môn đầu tư, chuẩn bị cho Olympic) gồm bắn súng, bắn cung, cử tạ (hạng cân nhỏ), bóng đá, điền kinh (một số nội dung nữ), bơi (một số nội dung nữ), boxing (nam, hạng cân nhỏ); nhóm 2 (các môn đầu tư, chuẩn bị cho ASIAD) gồm judo, karate, taekwondo, TDDC, vật, đấu kiếm, đua thuyền rowing, wushu, cầu lông, kurash, cờ vua, xe đạp (nữ); nhóm 3 (các môn đầu tư, chuẩn bị cho SEA Games, Đại hội thể thao trẻ, Đại hội thể thao bãi biển và các Đại hội thể thao quốc tế khác) gồm nhảy cầu, bóng bàn, bóng chuyền, canoeing, golf, bowling, bóng rổ, quần vợt, bi sắt, pencak silat, jujitsu, vovinam, khiêu vũ thể thao, thể dục aerobic, cờ tướng, billiards & snooker, bóng ném, cầu mây, kickboxing và các môn thể thao khác.

Tin cùng chuyên mục