Nhật ký Asiad 19: Khoảng cách và giấc mơ

Kỷ lục thế giới đầu tiên được lập ở Asiad 19 thuộc về xạ thủ Seng Lihao của Trung Quốc tại nội dung 10m súng trường hơi cá nhân.
Các VĐV nước chủ nhà Trung Quốc vẫn đang dẫn đầu bảng xếp hạng tại Asiad 19
Các VĐV nước chủ nhà Trung Quốc vẫn đang dẫn đầu bảng xếp hạng tại Asiad 19

Điều đáng chú ý là VĐV này chỉ mới 19 tuổi, một lứa tuổi không phải là đỉnh cao trong môn bắn súng vốn nặng yếu tố kinh nghiệm, bản lĩnh, tinh thần vững vàng. Hoàng Xuân Vinh của đội tuyển bắn súng Việt Nam khi chiến thắng ở những giải bắn súng thế giới cũng như giành được HCV và HCB tại Olympic 2016 đã ở tuổi tứ tuần.

Cũng ở nội dung bắn súng, VĐV Ngô Hữu Vương trở thành người đầu tiên đoạt HCB cho đoàn Việt Nam tại nội dung 10m súng hơi bia di động. Xạ thủ sinh năm 1989 này từng đoạt đến 4 HCV ở kỳ SEA Games 2009 khi chỉ mới 20 tuổi nhưng phải đến 34 tuổi mới có chiếc HCB Asiad dù trước đó đã có 2 HCĐ qua 2 kỳ Asiad 2014 và 2018.

Câu chuyện tuổi tác trong thể thao đỉnh cao có liên quan đến công tác đầu tư và chiến lược phát triển. Quốc gia nào càng có nhiều VĐV trẻ vươn đến tầm thế giới càng chứng tỏ nội lực của mình và giữ được sự ổn định lâu dài trên đỉnh cao. Tre chưa già măng đã mọc, đó là cách để các nền thể thao phát triển. Nói cách khác, cứ nhìn vào lực lượng VĐV trẻ sẽ có đánh giá chuẩn xác nhất. Trung Quốc chắc chắn một lần nữa sẽ đứng đầu Asiad nhưng cái cách họ đang thống trị những môn thi đấu với lực lượng VĐV trẻ mới thấy tham vọng của Trung Quốc ở Thế vận hội mùa Hè năm sau.

Dù có mặt 36 nhà vô địch Olympic nhưng đoàn thể thao Trung Quốc dự Asiad 19 có đến 68% là VĐV trẻ, mới lần đầu dự Á vận hội. Đây là đợt thử lửa quan trọng của Trung Quốc cho Paris 2024 với mục tiêu tranh chấp ngôi số 1 với đoàn thể thao nước Mỹ.

Chính sự vượt trội của đoàn Trung Quốc đã tác động đến những mục tiêu huy chương của phần còn lại. Ví dụ như thể thao Việt Nam hiện vẫn chưa có HCV dù đã thi đấu môn rowing vốn từng có chiến thắng ở Asiad 18. Đoàn thể thao nước chủ nhà quá mạnh, buộc các đoàn như Nhật Bản, Hàn Quốc… phải “tấn công” vào các môn không phải là thế mạnh của Trung Quốc và điều đó sẽ khiến lượng HCV trở nên ít đi với các đoàn còn lại.

Nhưng một cuộc đua tranh như vậy mới thực sự đáng quý. Các khoảng cách về trình độ được lộ ra, những chiến thắng dễ dàng tại SEA Games trở thành các kỷ niệm. Điển hình như tại môn rowing, chỉ sau 5 năm, rất nhiều điều đã thay đổi và các VĐV Việt Nam không còn giữ được vị trí của mình trên đường đua. Nguyên nhân cũng đơn giản, đó là do chúng ta chỉ tập luyện và thi đấu ở mức độ tiêu chuẩn, không có đột phá nào đặc biệt nên khó có những thành tích vượt bậc.

Điều tuyệt vời nhất của thể thao đó là luôn có những ước mơ, những khao khát chiến thắng dành cho tất cả. Vấn đề là giữa thực tế và ước mơ là những khoảng cách mà chúng ta phải tìm cách thu hẹp bằng nỗ lực trẻ hóa nhiều hơn, đầu tư chọn lọc hơn thì mới có sự nhảy vọt về chất lượng thay vì đợi thời gian đem lại những sự may mắn.

Tin cùng chuyên mục