Điền kinh Việt Nam đang chững lại là điều dễ nhận thấy, tương tự như môn bơi lội, vì các thông số thành tích rõ ràng nên việc đánh giá không hề chủ quan.
VĐV Bùi Thị Thu Thảo không thể bảo vệ thành công tấm HCV tại Asiad |
Nhà vô địch Asiad 18 ở môn nhảy xa là Bùi Thị Thu Thảo năm nay nhảy 2 lần thì lần lượt đạt 4,82m và 6,09m. Những thông số này nếu muốn tìm lại thành tích thấp hơn của chính Thảo thì phải lùi về tận năm 2014 khi cô thi đấu tại Beach Asian Games (5,35m). Các thông số của Thảo ở Asiad 19 là kém thứ 2 trong số thành tích quốc tế được ghi nhận từ trước đến nay của cô. Trong khi đó, năm 2018, Thảo nhảy được 6,55m để đoạt HCV Asiad, còn kỷ lục quốc gia mà cô đang nắm giữ là 6,68m.
Năm nay Thu Thảo đã 31 tuổi, đương nhiên không phải là độ tuổi đỉnh cao trong điền kinh nên ở góc độ nào đó, cô cũng đã nỗ lực hết sức mình trong thi đấu. Hôm qua Thảo cũng không quá buồn sau khi thi đấu xong. Cô đến Asiad 19 để bảo vệ HCV trong khi thành tích ở SEA Games cũng như tại giải vô địch châu Á gần đây đều cho thấy cô không còn ở đỉnh cao với lần lượt là 6,13m và 6,22m.
Người đoạt HCĐ ở Asiad lần này cũng đã đạt mức 6,48m, trong khi VĐV Trung Quốc đoạt HCV với 6,73m, vượt quá xa thành tích của Thảo hiện tại. Sự có mặt của Thảo cho thấy điền kinh Việt Nam lộ ra khoảng trống lớn về thế hệ tiếp nối, khi chúng ta không thể cử ai khác trẻ hơn thay Thảo. Và không chỉ ở môn nhảy xa, các nội dung sở trường khác vẫn chỉ là các gương mặt cũ nhưng đều qua thời đỉnh cao.
Hôm qua, trang CNN phiên bản Indonesia có bài viết “chê” thể thao Việt Nam, đại loại là “thống trị ở SEA Games nhưng chẳng thể tỏa sáng tại Asiad”. Thẳng thắn nhìn nhận, đây là nhận xét không sai. Việc 2 sự kiện thể thao này tổ chức gần nhau trong cùng một năm đã phản ánh chân thực nhiều khía cạnh mà từ nhà quản lý đến người hâm mộ cũng phải xem lại cách đánh giá của mình. Hồi điền kinh Việt Nam thi đấu ở SEA Games 32, chúng ta liên tục chúc mừng những Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Huyền… vì sự kiên cường, lòng quả cảm của họ nhưng quên mất rằng tại SEA Games mà chúng ta phải dùng đến tận cùng sức lực, nhân lực để thắng HCV thì đó đâu hẳn là điều đáng vui.
Thành tích cũng như tấm huy chương luôn có 2 mặt. Nếu chỉ nhìn vào mặt sáng chói thì sẽ bỏ qua những gì đằng sau còn xù xì, chưa được chăm chút. Chiếc HCV duy nhất cho đến nay của bắn súng vẫn không thể làm quên đi những nỗi buồn trên sân điền kinh và hồ bơi…