
1. Trong thế giới cờ chuyên nghiệp hiện có đội ngũ phụ tá (the second) cho các cao thủ thi đấu ở những giải nặng ký nhất. Phụ tá là những HLV và kỳ thủ (cỡ đại KTQT) cùng làm việc với người mà họ ký hợp đồng để chuẩn bị cho người ấy trước mỗi trận đấu.
Phụ tá đều là các chiến binh thứ dữ, quyết định thắng-bại cho kỳ thủ thuê họ trong các cuộc chiến sinh tử. Ở giải tranh chức VĐTG năm 2008 giữa Anand và Kramnik, trong đó Anand sử dụng một đội gồm 4 đại KTQT Peter Heine Nielsen (Đan Mạch), Rustam Kasimdzhanov (Uzbeskistan), Radoslaw Wojtaszek (Ba Lan), Surya Ganguly (Ấn Độ), còn phụ tá của Kramnik cũng chẳng kém cạnh như đại KTQT Peter Leko (Hungary) nhiều năm liền ở tốp 10 thế giới.
Chuyên gia Evgeny Bareev (Nga) từng hướng dẫn đại KTQT Lê Quang Liêm hè năm 2009 cũng thuộc thành phần phụ tá cho Kramnik trong cuộc chiến giành chức VĐTG trước Kasparov năm 2000, và trước Leko năm 2004. Để Kramnik thắng Kasparov, ông Bareev mệt phờ, như tâm sự: “Chúng tôi làm việc như điên, một tuần cuối cùng tôi hầu như không ngủ. Khoảng 2-3 tháng sau cuộc chiến, tôi vẫn kiệt sức, dễ xúc động và rã rời thể xác, nên tôi đã ước là mình không phải làm tiếp công việc này”. Vất vả như vậy, nên ngoài lương thỏa thuận theo hợp đồng, phụ tá thường được hưởng một số phần trăm nhất định trong tiền thưởng của kỳ thủ thuê họ.

Sắp dự giải “siêu đại kiện tướng” thế giới, nhưng chưa ai biết thuê thầy ngoại ở đâu cho kỳ thủ Lê Quang Liêm. Ảnh: Dũng Phương
2. Nhờ đoạt chức vô địch giải Aeroflot mở rộng tháng 2-2010, đại KTQT Lê Quang Liêm có 1 suất tham dự giải siêu đại KTQT Dortmund. Đây là giải đấu rất danh giá tổ chức vào dịp hè ở Dortmund, BTC mời đích danh từ 6-8 kỳ thủ là những đại KTQT mạnh nhất hiện thời (thường trong tốp 10 thế giới), trong đó có nhà vô địch giải Aeroflot hàng năm, vì BTC công nhận chất lượng chuyên môn cao của giải này. Tiền thưởng cho quán quân giải Dortmund năm 2009 lên đến 100.000 USD.
Do tính chất quan trọng của giải siêu đại KTQT Dortmund, các đấu thủ thường thuê phụ tá sát cánh với mình. Ngay từ lúc ở Nga hồi cuối tháng 2-2010, để hỗ trợ Quang Liêm trong quá trình tập huấn với đại KTQT Alexander Khalifman, Trưởng ban chuyên môn cờ vua TPHCM Lâm Minh Châu đã băn khoăn về kinh phí chuẩn bị cho Liêm tham chiến ở Dortmund lần đầu tiên này.
Thông qua giải VĐQG cờ vua cá nhân kết thúc ngày 3-4, Tổng thư ký Liên đoàn cờ Việt Nam Đặng Tất Thắng đã nhìn nhận, việc đầu tư cho các tài năng như Liêm mới dừng ở mức 30% nhu cầu để phát triển đỉnh cao.
Đáng nói là dù đầu tư chưa tới, nhưng Liêm vẫn là kỳ thủ được đầu tư mạnh nhất Việt Nam nhờ nỗ lực của TPHCM, trong lúc bộ môn cờ (Tổng cục TDTT) cũng như Liên đoàn cờ Việt Nam đều bó tay vì túng thiếu kinh phí.
Thế nên, trước tính toán ít nhất cần có 15.000 USD cho Liêm có HLV ngoại ở giải Dortmund (chưa kể chi phí về phụ tá), ông Thắng cũng chưa biết xoay ở đâu, vấn đề này không chỉ vì bộ môn cờ không đủ tiền, mà còn do nếp nghĩ rằng “đây là giải không nằm trong hệ thống thi đấu chính thức như SEA Games, Asian Indoor Games, Asian Games, Olympic”!?
Cờ vua mới xuất hiện ở SEA Games, Asian Games và dù chưa có mặt ở Olympic, nhưng lại là một trong những môn có hệ thống thi đấu chuyên nghiệp được đánh giá cao, chí ít cũng thể hiện ở các khoản tiền thưởng “đáng nể” cho kỳ thủ có thành tích.
Việc có 1 kỳ thủ lần đầu tiên hạng 42 thế giới và hiện ở tốp 10 hạng đầu trẻ thế giới như Lê Quang Liêm lẽ ra phải là niềm tự hào của trí tuệ Việt Nam trước thế giới, chứ có đâu lại vừa lòng với chuyện Liêm bất ngờ vô địch giải Aeroflot để có luôn vé dự giải siêu đại KTQT Dortmund nên chỉ góp mặt… cho vui là xong.
Phải chăng, chính nếp nghĩ theo lối mòn lại là nguyên nhân lớn hạn chế trong đào tạo tài năng thể thao, chứ không hẳn ít (hay nhiều) tiền?
MINH ANH