Buổi sáng 22-9 đáng nhớ ở làng vận động viên (VĐV) Asiad 19, các thành viên của Đoàn thể thao Việt Nam cũng đã chung cảm xúc như vậy. Và có thể trong suốt sự nghiệp VĐV hay khi đã trở thành những người thầy của thể thao nước nhà, ai cũng rất mong muốn được góp mặt ở buổi lễ quan trọng ấy.
Cũng dễ hiểu thôi, vì nghi thức thượng cờ luôn khiến những người Việt Nam nơi đất khách cảm thấy tự hào và hãnh diện, nhất là khi chứng kiến lá cờ Tổ quốc tung bay trong tiếng quốc ca hào hùng. Trong thâm tâm mỗi người, có lẽ đã sáng lên một niềm tin, bừng dậy lòng quyết tâm trước khi chính thức hòa mình vào bầu không khí tranh tài cuồng nhiệt của ngày hội thể thao châu lục.
Thể thao Việt Nam đã vượt muôn trùng gian khó để từng bước hội nhập với khu vực Đông Nam Á, với châu Á và thế giới. Vì vậy, thầy trò các đội tuyển quốc gia, lãnh đạo đoàn, kể cả quan chức ngành thể dục thể thao luôn trân trọng những phút giây được xuất hiện ở những sự kiện thể thao quốc tế, để rồi khích lệ và động viên nhau viết nên những kỳ tích, những chiến thắng quả cảm, kiêu hãnh.
Lần thứ 9 từ thời điểm xuất hiện đầu tiên tại New Delhi (Ấn Độ) năm 1982, thể thao Việt Nam vẫn xem Asiad như một “sân khấu” lớn, một bức tường thành không dễ chinh phục. Suốt hơn 30 năm qua, số lượng huy chương vàng (HCV) mà các VĐV Việt Nam giành được ở Asiad (18 HCV) thậm chí còn chưa bằng số HCV mà đội tuyển điền kinh quốc gia từng đoạt được tại SEA Games 31. Tuy nhiên giá trị được tính ở đây chính là sự trưởng thành và lớn mạnh của nền thể thao Việt Nam, là quyết tâm gạt bỏ được mặc cảm, sự e dè để tự tin bước vào các cuộc tranh tài với những VĐV đẳng cấp châu Á, thế giới.
Chiến thắng vang dội của các huyền thoại taekwondo Hồ Nhất Thống, Trần Quang Hạ, của đội tuyển cầu mây nữ, của VĐV nhảy xa Bùi Thị Thu Thảo, của nữ võ sĩ karate Nguyễn Thị Phương… đã minh chứng và góp phần khơi dậy ngọn lửa đam mê thể thao của rất nhiều bạn trẻ Việt Nam, thôi thúc họ tìm đến và gắn bó với sự nghiệp xây dựng thể thao nước nhà.
Hôm nay, ngày mai và nhiều ngày sau đó nữa, các tuyển thủ Việt Nam sẽ bước vào những “trận đấu cuộc đời” ở Asiad 19, nơi họ có thể mang về niềm vui chiến thắng, hoặc cũng có thể là nỗi buồn thua trận. Thắng hay thua trong thể thao đôi khi chỉ diễn ra trong cái chớp mắt, trong một phần ngàn giây, nhưng quan trọng là các tuyển thủ đã được thỏa chí thể hiện tài năng thể thao, đại diện cho quốc gia của mình tranh tài với VĐV nước bạn.
Bởi vì, mỗi VĐV nhất thiết phải trở thành một đại sứ của đất nước mình, không chỉ tương tác, kết nối đơn thuần với bạn bè quốc tế trên phương diện thể thao, mà còn nêu cao trách nhiệm giới thiệu và quảng bá văn hóa, con người và đất nước trong ngày hội nóng bỏng ở châu Á…